Dân Quảng Nam vẫn không sợ dưa hấu?

Hiện thương lái thu mua dưa hấu loại trên 2kg là 3.500đ/kg, tính ra tổng thu một sào dưa hơn 3 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư hết 2 triệu đồng/sào, người dân vẫn có lãi khoảng 1 triệu đồng/sào. Đó là lý do tại sao dân Phù Ninh (Quảng Nam) không sợ dưa hấu.
Ông Trần Ngọc Bằng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh, Quảng Nam cho biết: Vụ ĐX 2014-2015, trên địa bàn huyện sản xuất khoảng 438 ha dưa hấu, tập trung ở các xã Tam Phước, Tam Thành, Tam Lộc và thị trấn Phú Thịnh.
Vụ này năng suất đạt 28 tấn/ha, so với năm trước giảm khoảng 7 tấn/ha. Theo ông Bằng, vụ dưa hấu năm trước thương lái thu mua với giá 7-8.000đ/kg thì thời điểm này chỉ mua với giá 3-3.500đ/kg. Với mức giá này, người trồng dưa vẫn có lãi.
“Nếu không ảnh hưởng từ đợt mưa bất thường hồi tháng 3 và thiếu nước tưới thì năng suất vẫn giữ nguyên như năm trước. Bởi giai đoạn dưa ra quả thì gặp đợt mưa lớn, hơn 300ha trên địa bàn huyện ngập úng.
Ngoài ra, trong vụ dưa cũng là thời điểm nâng cấp sửa chữa kênh Phú Ninh, nên một số diện tích thiếu nước tưới, do đó năng suất sụt giảm mạnh”, ông Bằng lý giải.
Cùng với nhân công trong gia đình và thuê 5 người thu hoạch 3,5 sào dưa hấu tại cánh đồng Nà Mèo, lão nông Nguyễn Xuân Hiền (trú khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh) cho hay: Vụ dưa này không mấy thuận lợi, đợt mưa lụt bất thường khiến dưa hư hỏng nhiều. Tiếp đó gặp nắng hạn, thiếu nước tưới, nên năng suất giảm.
“Bình thường 1 sào dưa hấu cho năng suất 1,5-2 tấn, nhưng vụ này chỉ đạt khoảng 8 tạ loại trên 2 kg và khoảng 2 tạ/sào loại dưa dưới 2 kg. Với giá bán dưa loại 1 giá 3.5000đ/kg, thu về 2,8 triệu đồng, cộng với dưa loại 2 bán với giá 1.500đ/kg.
Tổng thu mỗi sào được khoảng 3 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV… hết khoảng 2 triệu đồng, thì có lãi 1 triệu đồng/sào”, ông Hiền hạch toán.
Ông Huỳnh Văn Thống (trú tại thôn 9, xã Tam Thành) cho biết: Gia đình ông trồng 5 sào dưa hấu nhưng chỉ thu về được khoảng 5 tấn dưa. Như vụ trước, cùng với diện tích này, ông thu hơn 7 tấn dưa, với giá bán 7-8.000đ/kg, thu về gần 50 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 35 triệu đồng.
Thế nhưng vụ này, 5 sào dưa đạt năng suất hơn 4 tấn loại trên 2kg, với giá bán 3.5000đ/kg, cộng với 1 tấn dưa loại dưới 2kg, với giá bán 1.500đ/kg, thu 15 triệu đồng. “Trừ chi phí đầu tư hết 10 triệu đồng, tôi chỉ có lãi khoảng 5 triệu đồng. So với vụ trước thì mất một số tiền quá lớn”, ông Thống ngậm ngùi.
Hiện 438 ha dưa hấu tại huyện Phú Ninh, bà con thu hoạch hơn 50% diện tích, hầu hết số dưa loại 1 được các thương lái thu mua, sau đó đưa đi tiêu thụ các tỉnh thành trong nước, còn loại 2 được thương lái thu mua và bán lẻ tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi tôm càng xanh huyện Tam Nông dần mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều địa phương nhân rộng. Tuy nhiên, trong 2 năm nay chất lượng nguồn tôm giống đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, năng suất sau thu hoạch. Vì vậy, nhu cầu có trạm cung cấp giống chất lượng là chất xúc tác mạnh để mô hình giàu tiềm năng tiếp tục phát huy hiệu quả...

Nếu có dịp tham quan Vịnh Hạ Long, du khách hãy thử một lần theo tàu ra thăm ngư trường nuôi trai cấy ngọc trên biển Hạ Long (nằm ở khu vực gần hang Bồ Hòn), chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thích thú bởi không chỉ vì cảnh đẹp nơi này mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về công việc nuôi trai cấy ngọc...

Hiện giá lợn hơi chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, trung bình người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với gà lông, giá cũng giảm từ 10.000 đồng tới 12.000 đồng/kg. Giá sản phẩm chăn nuôi của chúng ta đang thấp hơn Thái Lan từ 5000 - 6000 đ/kg; Trung Quốc gần 10.000 đ/kg.

Mô hình nuôi sò huyết luân canh trong vuông tôm được ông Lâm Văn Liêm, ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) áp dụng thành công. Từ mô hình này, nhiều hộ dân tham quan học hỏi và áp dụng.

Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Bắc Ninh. Trong nhiều năm qua, nghề này chưa có bước phát triển đáng kể bởi những người nuôi ong trong tỉnh chủ yếu vẫn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, diện tích vườn đồi, rừng và trang trại trồng trọt của tỉnh đã tăng lên đáng kể, cây cối phát triển xanh tươi, trong đó có nhiều loại cây là nguồn mật cho ong... Một số hộ nông dân tại các địa phương như Phật Tích, Việt Đoàn (Tiên Du), Nam Sơn (T.P Bắc Ninh) và Tân Lãng (Lương Tài)... đã biết tận dụng cơ hội phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư không lớn.