Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dân Khốn Đốn Vì Lợn Bệnh

Dân Khốn Đốn Vì Lợn Bệnh
Ngày đăng: 07/10/2013

Khoảng gần 2 tháng trở lại đây, người chăn nuôi xã Xuân Tình, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) phải chống chọi với một loại bệnh xuất hiện ở lợn mà người dân nơi đây gọi là bệnh nghệ đã làm lợn chết hàng loạt. Theo người dân, biểu hiện ban đầu của bệnh là lợn bỏ ăn, ho, tiêu chảy, vàng da và cuối cùng dẫn đến chết. Tốc độ lây lan của bệnh nhanh đến mức chóng mặt đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Người dân “ngồi trên đống lửa”

Không quá khi nói rằng, những gia đình chăn nuôi lợn ở Xuân Tình đang ngồi trên đống lửa. Chúng tôi có mặt ở thôn Nà Tu vào chiều ngày 2/10/2013, khi mà câu chuyện về bệnh nghệ trên đàn lợn đang là nỗi lo của biết bao hộ dân nơi đây.

Khi được hỏi về tình trạng bệnh trên đàn lợn ở thôn, ông Hoàng Văn Pít, Bí thư Chi bộ thôn Nà Tu buồn rầu chia sẻ: gom góp được ít vốn, gia đình ông đầu tư vào chăn nuôi 7 con lợn thịt, vừa lúc mỗi con được khoảng hơn 30kg thì bắt đầu mắc bệnh vàng nghệ, thế rồi nhanh chóng, từng con một chết, cứ con nọ cách con kia mấy ngày.

Hiện trong chuồng nhà vẫn còn 4 con đang mang triệu chứng bệnh giống những con trước đã chết, nếu cứ tốc độ này thì một tuần nữa 4 con còn lại cũng không sống sót nổi. Với gia đình ông đàn lợn còn ít, có những hộ khác trong thôn nuôi tới cả mấy chục con đều đã chết hết. Nói rồi, ông Pít đưa chúng tôi đến nhà anh Vy Xuân Tịnh vì nhà anh này vừa hôm trước mới chết một con và 9 con còn lại đang trong tình trạng mắc bệnh khá nặng.

Đi hết hộ gia đình này đến hộ gia đình khác chúng tôi được trực tiếp quan sát những biểu hiện của bệnh cũng như những thiệt hại kinh tế do lợn chết gây ra cho hộ trong thôn. Hộ ít thì 1 con chết và 3, 4 con đang mắc bệnh, hộ nhiều có đến 22 con chết.

Theo ông Pít thì 100% số hộ trong thôn đều có lợn mắc bệnh này, trong đó số lợn đã chết lên tới hơn 100 con, còn những con lợn có dấu hiệu của bệnh đang trong tình trạng nguy cấp thì đã lên đến cả vài trăm con. Ước tính đến thời điểm này, tức là gần 2 tháng sau khi phát hiện bệnh vàng nghệ, các hộ nuôi lợn trong thôn Nà Tu đã thiệt hại trên 100 triệu đồng, nếu số lợn còn lại đang mắc bệnh bị chết thì thiệt hại còn lớn hơn gấp nhiều lần. Số lượng lợn đã chết và hiện đang mắc bệnh ở thôn Nà Tu khá lớn nhưng nơi đầu tiên phát hiện bệnh là thôn Nà Mạ.

Ông Lý Văn Thành, người dân trong thôn cho biết: khi mới phát hiện bệnh, người dân trong thôn vẫn chủ quan vì trước đây vài năm cũng có một vài con lợn bị mắc bệnh nghệ và chết, tuy nhiên số lượng rất ít. Lần này, kể từ khi phát hiện con lợn đầu tiên bị mắc bệnh đến khi lan ra diện rộng như hiện nay chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn khiến người dân không kịp trở tay.

Gia đình ông cũng có 13 con (mỗi con trên 50kg) đã bị chết. Ngay sau khi đàn lợn thịt chết do bệnh nghệ, gia đình ông đã khử trùng chuồng trại và nuôi đàn mới, tuy nhiên hiện nay, đàn lợn tiếp theo đó cũng đã xuất hiện lại các triệu chứng bệnh nghệ giống đàn cũ khiến cho gia đình vô cùng lo lắng.

Khó khăn trong ngăn chặn

Mặc dù đã xuất hiện được gần 2 tháng nhưng việc ngăn chặn bệnh lây lan, tái phát thì cả chính quyền và người dân Xuân Tình vẫn đang “bó tay”. Bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: cho đến nay, cả 6/6 thôn ở xã và trên 50% số hộ chăn nuôi lợn đã có lợn mắc bệnh và chết. Nhận thấy diễn biến bất thường và hậu quả nghiêm trọng của bệnh nên ngay khi phát hiện những đàn lợn bị chết, chính quyền xã đã kiểm tra, rà soát và báo cáo lên cấp trên về tình hình của bệnh. Ngay sau đó, công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại được đẩy mạnh ở tất cả các thôn, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chữa bệnh.

Tuy nhiên, việc khống chế bệnh nghệ ở lợn của xã Xuân Tình vẫn đang gặp khó khăn, số lượng lợn mắc bệnh vẫn tăng qua từng ngày, thậm chí là tăng qua từng giờ. Theo bà Hương, khó khăn trong việc ngăn chặn bệnh hiện nay là do chưa tìm được thuốc trị bệnh hiệu quả. Người dân vẫn tự mua thuốc kháng sinh về tiêm cho lợn. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người chăn nuôi kém.

Những trường hợp lợn mắc bệnh nghệ chết hoặc không có khả năng cứu chữa đáng lẽ cần được tiêu hủy đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y thì một số hộ lại ném luôn ra sông, suối. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường mà còn tạo mầm bệnh và nguy cơ lây lan cho những hộ chăn nuôi khác. Chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn bệnh, người chăn nuôi ở Xuân Tình chỉ biết ngồi “chờ” cho bệnh mau qua.

Cần nhanh chóng dập bệnh

Trong 9 tháng đầu năm 2013, toàn xã Xuân Tình có 1.845 con lợn, trong đó số lợn chết và đang mắc bệnh nghệ chiếm đến gần 50% tổng đàn. Nếu diễn biến bệnh như hiện nay, chẳng bao lâu nữa, Xuân Tình sẽ không còn lợn. Được biết khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi lợn ở Xuân Tình mới khởi sắc trở lại và đã góp phần quan trọng vào việc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo chung của địa phương.

Nếu như năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn trên 30% thì đến nay, con số này chỉ còn 18%. Con số đó đã phần nào thể hiện được vai trò, vị trí của chăn nuôi (chủ yếu là nuôi lợn). Việc ngăn chặn bệnh sớm, “cứu” người chăn nuôi ở Xuân Tình ra khỏi khó khăn như hiện nay là vô cùng cần thiết.

Thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa để tìm hiểu nguyên nhân chính xác cũng như đưa ra những giải pháp ngăn chặn kịp thời và có sự hỗ trợ đối với chăn nuôi để tái đàn một cách nhanh chóng, làm giảm thiệt hại của người dân xuống mức thấp nhất cũng như tránh lây lan bệnh sang các địa phương khác.

Rời khỏi Xuân Tình mà chúng tôi vẫn cứ canh cánh trong lòng câu chuyện của 2 vị cán bộ xã là bà Hương và ông Thành, đại ý là: khi phát hiện ra bệnh, bà Hương đã chủ động khử trùng và mua thuốc về tiêm cho đàn lợn gần 30 con hết 3,2 triệu đồng, nhưng rồi 22 con được tiêm vẫn chết. Giống như vậy, nhưng ở gia đình ông Thành, sau khi lợn chết hết do bệnh, ông quyết định tái đàn, rồi đến hiện tại, đàn lợn đã có dấu hiệu của bệnh nghệ, tất cả chỉ diễn ra trong chưa đầy 2 tháng.


Có thể bạn quan tâm

Trồng nấm mùa hạn Trồng nấm mùa hạn

Tháng 9-2014, bà Lê Thị Hồng (thôn Suối Khô, xã Phước Chính, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) và một số người dân trong xã được tham gia lớp tập huấn trồng nấm do Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tổ chức. Sau khóa học, thấy được tính khả thi của loại cây này, bà Hồng đã “bắt tay” trồng nấm tại nhà.

25/04/2015
Nông dân Hoài Nhơn (Bình Định) phát triển trồng cỏ nuôi bò Nông dân Hoài Nhơn (Bình Định) phát triển trồng cỏ nuôi bò

Huyện Hoài Nhơn (Bình Định) có tổng đàn bò gần 25.000 con. Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện đã tận dụng diện tích đất trồng lúa bị nhiễm phèn, nghèo dinh dưỡng, đất trồng hoa màu hiệu quả thấp, đất vườn, đất ven sông, ven lạch để trồng cỏ nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

25/04/2015
Ninh Bình sản xuất nấm Linh chi từ nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô Ninh Bình sản xuất nấm Linh chi từ nguyên liệu phối trộn là thân cây ngô

Nấm Linh chi là loại nấm dược liệu, có giá trị phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng với các loại nấm ăn, những năm gần đây nghề trồng nấm Linh chi phát triển khá mạnh ở tỉnh Ninh Bình, người dân đã đưa vào hàng nghìn tấn nguyên liệu sản xuất mỗi năm.

25/04/2015
Xen canh giảm nỗi lo thất mùa, mất giá Xen canh giảm nỗi lo thất mùa, mất giá

Ít cả đất lẫn vốn nhưng vẫn có thể làm giàu nhờ trồng xen các loại cây trên cùng một diện tích. Đó là cách làm của nhiều nông hộ ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) và ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước). Cách làm này vừa giúp cải tạo đất, hạn chế cỏ dại, hỗ trợ các loại cây cùng phát triển, vừa cho lợi nhuận cao, giảm được nỗi lo thất mùa, mất giá.

25/04/2015
Một số lưu ý khi khởi sự nuôi bò sữa ở nông hộ Một số lưu ý khi khởi sự nuôi bò sữa ở nông hộ

Sóc Trăng hiện có tổng đàn bò hơn 26.500 con, trong đó có 6.400 con bò sữa và hơn 90% được nuôi ở mô hình nông hộ; Tuy nhiên, sữa là loại thực phẩm đặc biệt, yếu tố chất lượng chính là đòi hỏi bắt buộc.

25/04/2015