Dần Khẳng Định Thương Hiệu Đàn Bò

Ba Tri từ lâu đã nổi tiếng và đứng ngôi vị “đầu bảng” của tỉnh Bến Tre về chất lượng giống bò và sản lượng đàn bò. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện tăng trưởng theo từng năm.
Chất lượng khẳng định thương hiệu
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện, hiện địa phương có khoảng 70.000 con bò. Sản lượng bò trung bình mỗi năm đạt từ một ngàn con trở lên, với tổng giá trị lên đến hơn 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, cho biết: Trong thời gian qua, số lượng và chất lượng đàn bò không ngừng phát triển theo từng năm. Để khẳng định thương hiệu đàn bò, Phòng đã không ngừng tìm và lai tạo nhiều giống bò tốt, có hiệu quả kinh tế cao để triển khai đến các hộ chăn nuôi. Nếu như những năm trước đây, những con bò có trọng lượng từ 300kg-400kg/con thì ngày nay đã được dần thay bằng những con bò lai với giống ngoại và có trọng lượng cao hơn, sản lượng thịt nhiều hơn và chất lượng thịt tốt hơn. Hiện, giống bò lai được người dân địa phương nuôi nhiều là: lai Sind, lai Brahman, Red Angus của Mỹ hoặc Canada…
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có khoảng 60 trang trại nuôi bò cái sinh sản và nhiều trang trại nuôi bò vỗ béo. Các xã có sản lượng bò cao nhất là: Phú Lễ, An Bình Tây, Mỹ Nhơn.
Ăn nên làm ra từ con bò
Phú Lễ là một trong những xã có sản lượng bò cao nhất huyện. Việc nuôi bò đã giúp người dân Phú Lễ ăn nên làm ra, thoát nghèo. Hàng năm, sản lượng bò xuất bán lên đến hàng ngàn con. Theo ông Hồ Văn Đắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lễ, có 80% người dân địa phương tham gia chăn nuôi bò chủ yếu tập trung là: bò nái và bò vỗ béo, với giống bò mới nên có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, một con bò giống 6 tuần tuổi có giá khoảng 25 triệu đồng; bò hơi có giá dao động từ 16-17 triệu đồng/tạ.
Bà Hồ Thị Rậm (ấp Phú Lợi) là một trong những người nuôi bò đạt hiệu quả của xã Phú Lễ. Bà Rậm bước vào nghề nuôi bò cách đây đã 10 năm, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Hiện bà Rậm đang nuôi 11 con bò, trong đó có 6 con bò nái, 4 con bê và 1 con bò đực. Giống bò bà chọn nuôi hầu hết là bò lai Sind, lai Brahman, Red Angus của Mỹ. Bà Hồ Thị Rậm cho biết: Trong những năm gần đây, nhờ tiếp cận được nhiều giống bò lai chất lượng, nên giá trị đàn bò tăng từ 2 đến 3 lần so với trước. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò đạt từ 30-50 triệu đồng/năm. Ban đầu, khi tiếp cận giống bò lai mới, gia đình bà cũng lo ngại, nhưng nhờ công tác tuyên truyền, tập huấn của địa phương nên đã mạnh dạn chuyển đổi bò nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao…
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, định hướng chuyển đổi giống bò tốt và sự mạnh dạn đầu tư, hưởng ứng của người dân địa phương dần đưa thương hiệu bò của Ba Tri vươn xa, giúp người dân cải thiện kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà.
Có thể bạn quan tâm

Với tiềm năng về thuỷ sản với hơn 220.000 ha nuôi tôm, trong đó có trên 5.000 ha tôm nuôi công nghiệp, tuy nhiên, gần đây có gần 400 ha tôm bị bệnh mà nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do dịch bệnh, tôm bị nhiễm độc. Yêu cầu thực tế đặt ra là tìm một hướng đi mới nhằm đa dạng hơn nữa nghề nuôi tôm.

Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh không ngừng tăng lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh là 20.000 ha, tập trung ở 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành, trong đó kế hoạch năm 2013 này thả nuôi khoảng 2.000 ha.

Điện Biên được đánh giá có tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thì tỉnh ta còn có nguồn nhân lực dồi dào. Song, giải pháp nào để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp “mũi nhọn” cho địa phương - ngành “trụ cột” của tỉnh nhà là bài toán nan giải…

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa tổng kết mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành - An Giang). Mô hình có 116 nông dân tham gia sản xuất 217 héc-ta lúa đều đạt lợi nhuận tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/héc-ta.