Dần Khẳng Định Thương Hiệu Đàn Bò

Ba Tri từ lâu đã nổi tiếng và đứng ngôi vị “đầu bảng” của tỉnh Bến Tre về chất lượng giống bò và sản lượng đàn bò. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện tăng trưởng theo từng năm.
Chất lượng khẳng định thương hiệu
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện, hiện địa phương có khoảng 70.000 con bò. Sản lượng bò trung bình mỗi năm đạt từ một ngàn con trở lên, với tổng giá trị lên đến hơn 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, cho biết: Trong thời gian qua, số lượng và chất lượng đàn bò không ngừng phát triển theo từng năm. Để khẳng định thương hiệu đàn bò, Phòng đã không ngừng tìm và lai tạo nhiều giống bò tốt, có hiệu quả kinh tế cao để triển khai đến các hộ chăn nuôi. Nếu như những năm trước đây, những con bò có trọng lượng từ 300kg-400kg/con thì ngày nay đã được dần thay bằng những con bò lai với giống ngoại và có trọng lượng cao hơn, sản lượng thịt nhiều hơn và chất lượng thịt tốt hơn. Hiện, giống bò lai được người dân địa phương nuôi nhiều là: lai Sind, lai Brahman, Red Angus của Mỹ hoặc Canada…
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có khoảng 60 trang trại nuôi bò cái sinh sản và nhiều trang trại nuôi bò vỗ béo. Các xã có sản lượng bò cao nhất là: Phú Lễ, An Bình Tây, Mỹ Nhơn.
Ăn nên làm ra từ con bò
Phú Lễ là một trong những xã có sản lượng bò cao nhất huyện. Việc nuôi bò đã giúp người dân Phú Lễ ăn nên làm ra, thoát nghèo. Hàng năm, sản lượng bò xuất bán lên đến hàng ngàn con. Theo ông Hồ Văn Đắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lễ, có 80% người dân địa phương tham gia chăn nuôi bò chủ yếu tập trung là: bò nái và bò vỗ béo, với giống bò mới nên có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, một con bò giống 6 tuần tuổi có giá khoảng 25 triệu đồng; bò hơi có giá dao động từ 16-17 triệu đồng/tạ.
Bà Hồ Thị Rậm (ấp Phú Lợi) là một trong những người nuôi bò đạt hiệu quả của xã Phú Lễ. Bà Rậm bước vào nghề nuôi bò cách đây đã 10 năm, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Hiện bà Rậm đang nuôi 11 con bò, trong đó có 6 con bò nái, 4 con bê và 1 con bò đực. Giống bò bà chọn nuôi hầu hết là bò lai Sind, lai Brahman, Red Angus của Mỹ. Bà Hồ Thị Rậm cho biết: Trong những năm gần đây, nhờ tiếp cận được nhiều giống bò lai chất lượng, nên giá trị đàn bò tăng từ 2 đến 3 lần so với trước. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò đạt từ 30-50 triệu đồng/năm. Ban đầu, khi tiếp cận giống bò lai mới, gia đình bà cũng lo ngại, nhưng nhờ công tác tuyên truyền, tập huấn của địa phương nên đã mạnh dạn chuyển đổi bò nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao…
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, định hướng chuyển đổi giống bò tốt và sự mạnh dạn đầu tư, hưởng ứng của người dân địa phương dần đưa thương hiệu bò của Ba Tri vươn xa, giúp người dân cải thiện kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt cho UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên năm 2014 để thực hiện dự án Chế biến cá cơm trụng.

Cả một vùng giồng cát ven biển do sóng biển xa xưa tạo nên lúc cái đồng bằng này hình thành, đã bị đào bới tung lên, ao nọ sát ao kia, ao nào cũng có lưới bao quanh. Nằm ngoài vùng quy hoạch, không được phép nuôi, chính quyền địa phương cảnh báo thế nào, ngăn cản thế nào, ao tôm vẫn ào ào xuất hiện.

Thành công với mô hình nuôi rắn mối, anh Nguyễn Văn Thuyết (phường 1, TP. Bạc Liêu) tiếp tục đầu tư nuôi rắn hổ hành. Việc nuôi rắn hổ hành mỗi năm mang về cho anh hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

Giống thanh long được hỗ trợ từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Mới đầu anh Chánh chỉ trồng thử nghiệm 1 công thanh long với số lượng 100 cây. Sau một thời gian thấy cây thanh long phát triển tốt, anh ra Bình Thuận mua thêm giống về nhân rộng mô hình lên 6 công.

Với khoảng 350ha mặt nước có khả năng sử dụng để chăn nuôi thủy sản, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) là địa phương có tiềm năng đáng kể để phát triển lĩnh vực này, nhưng về cơ bản tiềm năng đó chưa được phát huy tốt, phần nhiều số hộ có diện tích mặt nước vẫn chăn nuôi thủy sản theo lối quảng canh.