Dân Bức Xúc Vì 60 Ha Ruộng Bỏ Hoang

Hơn 8 năm nay, 60ha đất sản xuất nông nghiệp ở các cánh đồng Tam Ván, Tân Đức, xã Bình Châu (Bình Sơn) không sản xuất được khiến đời sống 800 hộ nông dân ở các thôn Châu Thuận Nông, Phú Quý, Tân Đức gặp khó khăn.
Năm 2006, hệ thống mương nước thuộc Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng do Nhà nước đầu tư dài 1km từ xi phông Bà Quýt đến cánh đồng Tam Ván hoàn thành. Người dân nơi đây chưa kịp vui mừng đón nhận dòng nước ngọt về tưới cho đồng ruộng thì xót xa nhìn cảnh 60ha ruộng thành nơi chăn thả bò.
Bà Lê Thị Lan ở thôn Châu Thuận Nông than vãn, vì không có nước tưới tiêu cho sản xuất, ruộng càng bị nhiễm mặn nên gia đình bà đành bỏ hoang mấy sào ruộng này. Gia đình bà Lan vốn đã khó khăn, nay không có đất sản xuất phải làm thuê làm mướn, tìm đủ cách mưu sinh qua ngày.
Còn ông Trần Văn Hòe (ngụ cùng thôn) cho biết: “Gia đình có 2 sào ruộng cũng đành bỏ gần chục năm rồi! Làm sao mà cấy sạ được! Cây lúa nào sống nổi trong cảnh nước ngọt không có, nước mặn thì... đầy”.
Bà Lan, ông Hòe và nhiều hộ dân khác là những hộ thuần nông tại xã ven biển Bình Châu. Vì thế nên khi đồng ruộng không sản xuất được làm cho đời sống của họ càng thêm khó khăn.
Nghịch lý xảy ra kể từ khi hệ thống mương dẫn nước được đầu tư 600 triệu đồng này đưa vào sử dụng thì các cánh đồng này lâm vào cảnh... thiếu nước sản xuất. Nguyên nhân “có kênh nhưng không có nước” vì Bình Châu nằm ở cuối tuyến kênh Thạch Nham, hệ thống mương nước thiết kế theo kiểu cống áp lực, nhưng lượng nước về đây rất yếu dẫn đến không thể tạo áp lực để dẫn nước xuống đồng ruộng.
Trong khi trước đây, cánh đồng này có mương đất dẫn nước từ các nguồn khác nhau về tưới tiêu cho sản xuất, bà con gieo sạ 2 vụ/năm. Đến khi đầu tư hệ thống mương bê tông xây dựng chính giữa thì lối dẫn nước này cũng bị... tắc. Cộng với ảnh hưởng bởi các hồ nuôi tôm nên đồng ruộng càng bị nhiễm mặn, đành bỏ hoang.
Nhiều chỗ ruộng xơ xác đến nỗi cỏ dại không mọc nổi. Nay chỉ có 10 ha tại đồng Tam Ván là “vớt vát” được vụ đông xuân nhờ nước trời. Nhưng cũng “may nhờ rủi chịu” nếu gặp thời tiết xấu thì bà con sản xuất ở khu vực này cũng mất trắng.
Các cánh đồng trên có bề mặt bằng phẳng, lại nằm sát bên các tuyến đường của xã rất thuận tiện cho việc thu hoạch, vận chuyển. Nếu có nước sản xuất, rửa mặn thì xứ đồng này sẽ phát huy hiệu quả góp phần ổn định đời sống người dân. Dù chính quyền đã nhiều lần vận động người dân nạo vét mương, nhưng hệ thống mương nước nhanh chóng bị bồi lấp khi không có nước dẫn về.
“Mong các cấp có thẩm quyền đầu tư nâng cấp tuyến kênh B10, B12, khắc phục xi phông số 2, số 3 để cấp nước ngọt phục vụ sản xuất; đầu tư nâng cấp đê ngăn mặn Kiến Thiết tránh tình trạng đồng ruộng nhiễm mặn trở lại”, ông Nguyễn Quốc Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Châu kiến nghị.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/dan-buc-xuc-vi-60-ha-ruong-bo-hoang-2351127/
Có thể bạn quan tâm

Mường Ảng là 1 trong 4 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp, với khoảng 90% lao động nông nghiệp.

Tại xã Phú Sơn (Chợ Lách - Bến Tre), phong trào làm cây giống phát triển gần 10 năm nay, với 2 loại cây chủ lực là mít và xoài. Nhờ sản xuất cây giống, không ít hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Ngày 20.6, ông Nguyễn Đình Xuân – cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn (Bình Đinh) cho biết: Hơn một tuần qua, tôm hùm giống xuất hiện nhiều tại vùng biển ven bờ ở Nhơn Lý, thuyền của ngư dân chuyên làm mành tôm tập trung khai thác, một đêm mỗi thuyền khai thác được từ 30 – 100 con tôm hùm giống.

Dừa xiêm lùn là loại cây trồng thích nghi với nhiều vùng đất, có sức sinh trưởng và phát triển mạnh, chống chịu với sâu bệnh tốt, ngoài ra còn tạo cảnh quang, bảo vệ môi trường, che chắn gió bão,... Ngoài ra, dừa hiện nay được xem là loại cây ăn quả có nhiều tiềm năng và triển vọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và lợi ích xã hội.

“Nhiều mẫu mã trái cây khá đẹp nhưng chất lượng chưa cao. Nhà vườn cần đầu tư nhiều hơn nữa trong kỹ thuật chăm sóc”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh như thế trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Khởi khi Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn năm 2013 vừa khép lại.