Đâm Lo Vì Trót Trồng Ớt Trung Quốc

Một loại ớt có xuất xứ từ Trung Quốc được nhiều người dân trồng trên các cánh đồng tại tỉnh Nghệ An mà chưa hề được cơ quan chức năng kiểm định (kiểm dịch)
Ông Nguyên Văn Hùng (ngụ xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) vừa chăm sóc những luống ớt trên cánh đồng Trự Càn vừa nói: “Nhà tôi trồng 1 sào ớt; tiền phân bón, công sức bỏ vào nhiều lắm, giờ không biết cây có ra quả hay không. Nếu ớt không ra quả hoặc cho quả nhỏ và ít thì mất hết”.
Ở xã Khánh Sơn có 72 hộ dân trồng giống ớt lạ này. Sau hơn 2 tháng, cây phát triển rất èo uột. Ông Đinh Văn Hải (xã Khánh Sơn) lo lắng: “Bình thường ớt trồng hơn 4 tháng là thu hoạch nhưng hiện tại đã hơn 2 tháng, cây cao chưa được gang tay. Nhà tôi trồng hơn 2 sào, trồng rồi mới biết giống ớt lạ này chưa được kiểm định nên rất lo. Đúng ra, ngành nông nghiệp cần trồng thí điểm tại một số hộ, sau đó mới nhân rộng. Đằng này chưa được cơ quan chức năng kiểm định đã triển khai đại trà”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giống ớt lạ này có nguồn gốc từ Trung Quốc (ký hiệu là GB17615.3-2010) không chỉ được gieo trồng tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn mà còn được trồng rộng rãi trên địa bàn nhiều huyện ở tỉnh Nghệ An. “Sản phẩm” này được Liên minh HTX Nghệ An liên kết với một doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp cho người dân.
Trước đó, khi hay tin người dân trồng giống ớt lạ, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nghệ An đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX Nghệ An đề nghị không được phép gieo trồng khảo nghiệm giống ớt GB17615.3-2010. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra, Chi cục BVTV Nghệ An phát hiện giống ớt này đã được trồng ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳ Hợp với số lượng cây giống đủ trồng cho 50 ha.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nghệ An, xác nhận giống ớt này chưa làm thủ tục kiểm định nhưng đã đem trồng là trái với quy định. “Hiện tại, để có thể xử lý kịp thời các sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giao cho chi cục theo dõi việc gieo trồng, giám sát chặt chẽ vì sợ những loại dịch bệnh nguy hiểm có thể xuất phát từ giống ớt này rồi phát tán ra bên ngoài” - ông Đức cho biết.
Lỗi do nhà cung cấp (?!)
Ông Trần Đình Hường, Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An, cho biết theo hợp đồng được ký kết giữa Liên minh HTX với Công ty TNHH Rau quả Toàn Thịnh cảng liên vận Thượng Hải (Trung Quốc) thì công ty này sẽ cung cấp giống ớt GS888 cho người dân nhưng sau đó họ tự ý đưa giống ớt khác chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định để người dân gieo trồng. “Lỗi này thuộc về nhà cung cấp chứ không phải của chúng tôi!” - ông Hường nói.
Có thể bạn quan tâm

Lần đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân trồng giống ngô chuyển gen NK66 Bt/GT của Công ty Syngenta đã tận mắt, tận tay trải nghiệm tính ưu việt của công nghệ mới, giúp cây ngô vừa chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate vừa kháng được sâu đục thân, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập. Đây là một tín hiệu vui cho người trồng ngô, nhất là trước tình hình giá ngô không ổn định như hiện nay.

Cùng với cây hồ tiêu, cà phê là một trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê (Gia Lai), góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển những năm qua.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long vừa mới báo cáo kết quả đề tài “Nghiên cứu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giống lúa Hậu Giang 2 cho tỉnh Hậu Giang” trước Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp vốn luôn ở trạng thái bấp bênh, lại trên vùng đất cát bạc màu rất kén cây trồng nên càng khó, nhưng với ông Phan Chinh - một nông dân ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thì “cái khó ló cái khôn”, ông đã thành công trên vùng đất gian khó.
Do thời tiết bất thường nên nhiều loại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) giảm năng suất. Trong đó, sầu riêng có sản lượng giảm đến 70 - 80%. Vì thế nên mặc dù được giá hơn mọi năm nhưng hầu hết nông hộ vẫn bị giảm thu nhập.