Đầm Hà (Quảng Ninh) Được Mùa Tôm

Trong những năm gần đây bà con nông dân huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao đầm phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập cao từ việc nuôi trồng này.
Để động viên khuyến khích bà con nông dân nuôi trồng thuỷ sản, huyện Đầm Hà đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các vùng nuôi. Năm 2014 ba công trình cấp điện cho khu nuôi tôm công nghiệp các xã Đại Bình, Tân Bình và xã Đầm Hà với mức đầu tư trên 10 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng giải quyết nhu cầu điện cho nuôi trồng thuỷ sản của bà con nông dân.
Cùng với đó huyện đã quan tâm hỗ trợ một phần về giá giống, cải tạo ao đầm, mua sắm thiết bị mới như quạt nước, sục khí để nuôi trồng thuỷ hải sản. Vì vậy mà những năm gần đây diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện không ngừng tăng.
Tính đến tháng 7-2014 toàn huyện Đầm Hà đã có 185ha nuôi tôm công nghiệp và để quản lý tốt vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh phát sinh Phòng NN&PTNT huyện đã mở 10 lớp tập huấn cho 500 lượt người về đăng ký, kê khai thuỷ sản, ghi chép nhật ký, xây dựng lịch thời vụ và kỹ thuật nuôi thuỷ hải sản. Hướng dẫn các hộ dân cải tạo ao đầm, mua giống tại các cơ sở uy tín có đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định.
Việc thả tôm giống có sự giám sát của chính quyền cấp xã và các cơ quan chuyên môn như Phòng NN&PTNT và Trạm Thú y của huyện. Trong quá trình nuôi tôm các hộ được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, phòng trừ dịch bệnh.
Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý con giống, quản lý vùng nuôi tôm nên vụ nuôi tôm năm nay 85% hộ mua tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch, qua quá trình nuôi đến nay 100% mẫu xét nghiệm đối với 5 bệnh thường gặp ở tôm đều cho kết quả âm tính, hiện nay 60ha tôm của huyện Đầm Hà đã cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 6-10 tấn/ha, tôm đạt từ 50-70 con/kg, giá trung bình từ 150.000-180.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi tôm sau khi trừ chi phí thu lãi được vài trăm triệu đồng.
Ông Lê Văn Quyết hộ nuôi tôm tại xã Đại Bình cho biết: Năm nay gia đình tôi nuôi hơn chục ha tôm, các hộ nuôi tôm cũng đã truyền nhau kinh nghiệm, kỹ thuật, nên vụ thu hoạch tôm năm nay được hơn mọi năm, ở Đại Bình năm nay nhiều hộ nuôi tôm thắng lợi, bà con rất phấn khởi.
Để có một vụ nuôi tôm thắng lợi, ngoài sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, các hộ nuôi tôm huyện Đầm Hà tích cực hỗ trợ, giúp nhau về kinh nghiệm, phòng trừ dịch bệnh có như vậy hạn chế dịch bệnh phát sinh từ các ao nuôi, vùng nuôi. Hiện nay các hộ nông dân đang thu hoạch diện tích còn lại, tiếp tục cải tạo ao đầm đã thu hoạch chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thứ hai trong năm.
Có thể bạn quan tâm

Với khoảng thời gian hơn 10 năm, cây chè Shan tuyết khẳng định ưu thế trên vùng đất Huồi Tụ và Mường Lống của huyện biên giới Kỳ sơn. Sản phẩm chè Shan tuyết ở Nghệ An đã được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị, cần tăng cường công tác chế biến và quảng bá cho thương hiệu vươn xa hơn…

Hiện tại, bà con vùng màu của huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang vào mùa thu hoạch rộ khoai môn và củ kiệu. Theo phản ánh của bà con nông dân, do năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất của kiệu và khoai môn giảm trung bình từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, do những thông tin rau quả nhập từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên kim ngạch nhập khẩu rau quả từ quốc gia này trong 11 tháng của năm 2014 ở mức gần 136 triệu đô la Mỹ, bằng 95% cùng kỳ năm 2013. Thái Lan trở thành quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất với giá trị đạt gần 140 triệu đô la Mỹ trong 11 tháng của năm nay, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 29% thị phần.

Các vụ lúa gần đây bệnh vi khuẩn bộc phát mạnh, gây hại nặng làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất lúa. Tham dự sự kiện này, nông dân được tham quan 4 trại trưng bày mẫu vật bao gồm các mẫu lúa bị nhiễm bệnh, hướng dẫn cách nhận diện chính xác triệu chứng các bệnh do nấm, do vi khuẩn, biện pháp chủ động phòng trị hiệu quả, an toàn và nhận dạng thuốc bảo vệ thực vật chính hiệu, hạn chế tình trạng mua nhầm hàng kém chất lượng.

Năm 2014 được đánh dấu là năm có chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất trong “lịch sử” xuất khẩu của Gia Lai. Những mặt hàng chủ lực của tỉnh luôn giữ vị trí cao với sản lượng xuất và thị trường ổn định, trong đó phải kể đến cà phê-mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 77,8% tổng kim ngạch...