Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đậm Đà Chè Shan Tuyết Phình Hồ

Đậm Đà Chè Shan Tuyết Phình Hồ
Ngày đăng: 06/10/2014

Không có những cây cổ thụ to cả người ôm như ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) nhưng những cây chè Shan tuyết ở Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) cũng có tuổi cả trăm năm.

Được trồng trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, bốn mùa mây phủ, khí hậu mát mẻ quanh năm, chè phát triển hoàn toàn tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của trời đất tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết đến lạ thường.

Dưới cái nắng vàng cuối thu, chúng tôi vượt qua hơn 10 km đường bê tông uốn lượn bên các triền núi, thi thoảng lại có những đám mây bồng bềnh, bảng lảng, quấn quýt để đến với những cây chè ở xã vùng cao Phình Hồ. Từ trung tâm xã ngước mắt nhìn lên các ngọn núi, những cây chè Shan mọc thành rừng, cao từ 2 - 3 m để lộ ra gốc mốc trắng.

Cũng là giống chè Shan tuyết nhưng những cây chè ở đây không cổ thụ, không có các nhánh đan cài vào nhau như chè Shan tuyết Suối Giàng mà mọc thẳng và tạo thành những rừng cây tự nhiên, có lá to, dài màu xanh nhạt, búp mẩy, có nhiều lông tơ trắng, mịn trông như tuyết. Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác cây chè Shan tuyết có trên đất Phình Hồ từ bao giờ nhưng tuổi thọ nhiều cây gần 200 năm.

Theo người dân bản địa, chè được trồng cách đây từ 80 - 100 năm. Mục đích trồng chè trước đây không phải chỉ để lấy búp mà đồng bào Mông nơi đây trồng theo kiểu rừng chè, chống xói mòn đất, giữ nguồn nước. Hiện nay, toàn xã Phình Hồ có trên 150 ha chè Shan tuyết với trên 305.000 cây. Trong vòng gần chục năm trở lại đây, người dân mới khai thác chè để uống và làm hàng hóa với 197 hộ dân chăm sóc, bảo vệ toàn bộ diện tích.

Sùng A Rua - người dân tộc Mông nói như một kỹ sư trồng trọt: “Cây chè ở đây được trồng trên núi cao, quanh năm có sương mù bao phủ, búp có nhiều lông tơ trắng như tuyết nên loại chè này còn được gọi là chè Shan tuyết! Chè Phình Hồ không chỉ cây to, lá dày, dài, được nước mà nó hấp dẫn, ngon bởi giá trị thực tế từ tỷ lệ đường, cafein nhiều hơn, tỷ lệ tananh ít hơn so với chè trồng ở nơi khác. Khả năng chống hạn, chịu rét và kháng sâu bệnh tốt nên người dân chỉ thu hái chứ không bao giờ bón phân, phun thuốc sâu mà chè vẫn xanh tốt”.

Quả thật, những cây chè mọc xen với cây rừng hoang dã, ít bị tác động bởi con người mà vẫn nẩy búp căng tràn nhựa sống. Có lẽ cũng chính vì sự “hoang dã”, sự thơm ngon được chắt lọc tinh túy trời đất mà đã có cả thương nhân người Hà Lan đến tận Phình Hồ liên kết với nhà máy, người dân ở đây sản xuất chè xanh rồi mang về nước tiêu thụ. Từ khi có sự liên kết, người dân đã quan tâm tới chè nhiều hơn, từ cách thu hái, bảo vệ, chăm sóc nên cuộc sống cũng khấm khá hơn, cái đói, cái nghèo đang ngày một vơi bớt.

Trong câu chuyện về chè, về sự thơm ngon, sự lạ của chè Shan tuyết Phình Hồ, anh Giàng A Lầu - Trưởng nhóm Câu lạc bộ “Chè sạch” pha một ấm chè mới mời chúng tôi. Chè được rót ra nước vàng óng như mật ong. Cầm chén chè đưa lên hương thơm ngào ngạt, nhấp ngụm đầu tiên dễ dàng cảm nhận vị chè chan chát nhưng khi nuốt đến họng thì lại cảm nhận được vị ngọt đọng lại mãi nơi đầu lưỡi.

Nhưng cái quý giá nhất tạo nên một thương hiệu chè Shan tuyết Phình Hồ chính là sạch 100%, không có bón phân hóa học hay phun thuốc trừ sâu mà chỉ có hấp thụ những tinh tuý của sương mù, của mây, của núi. Chè Shan tuyết Phình Hồ thực sự là sản vật của núi rừng ban tặng cho đồng bào Mông nơi đây.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: “Chè Shan tuyết Phình Hồ có cái hay là không hề tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại thuốc kích thích mà phát triển hoàn toàn tự nhiên nên dù sản xuất thủ công hay sản xuất công nghiệp cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của nó. Chè Shan Phình Hồ được giới nghiền chè trong và ngoài nước rất ưa chuộng dẫu giá một ki-lô-gam chè khô không hề rẻ, luôn dao động từ 180 - 250 nghìn đồng”.

Hiện nay, toàn huyện Trạm Tấu có gần 500 ha chè Shan tuyết tập trung ở Phình Hồ, Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ... cho năng suất bình quân 17,5 tạ/ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 800 tấn. Nếu biết khai thác tốt, cơ chế tốt thì người dân nơi đây sẽ khá giả lên từ chè, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đủ sức chinh phục dân nghiền chè trên thế giới. Tiềm năng là rất lớn nhưng hiện nay chè Shan tuyết nơi đây vẫn chưa khai thác hết thế mạnh.

Bởi thế, huyện Trạm Tấu đang xây dựng Dự án “Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè Shan Phình Hồ”, mời gọi các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy chế biến chè tại Phình Hồ. Song song với đó là hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, sạch, an toàn.


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Công Tác Chỉ Đạo Nuôi Tôm Năm 2015 Tăng Cường Công Tác Chỉ Đạo Nuôi Tôm Năm 2015

Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản số 373/TCTS-NTTS, ngày 11/02/2015, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển tăng cường các biện pháp chỉ đạo quản lý thời vụ nuôi tôm nước lợ.

25/02/2015
Bạc Liêu Tập Huấn Thúc Đẩy Cải Thiện Thực Hành Quản Lý Thức Ăn Trong Nuôi Tôm Bạc Liêu Tập Huấn Thúc Đẩy Cải Thiện Thực Hành Quản Lý Thức Ăn Trong Nuôi Tôm

Để giúp bà con nuôi tôm quản lý thức ăn tiết kiệm và hiệu quả, ngày 06/02/2015 tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu (TTKNKN) tổ chức lớp tập huấn “Thúc đẩy cải thiện thực hành quản lý cho ăn trong nuôi tôm” cho 35 nông dân nuôi tôm.

25/02/2015
Lai Châu Điểm Đầu Tiên Sản Xuất Giống Cá Tầm Siberi Lai Châu Điểm Đầu Tiên Sản Xuất Giống Cá Tầm Siberi

Giống cá tầm nhập ngoại tỷ lệ sống thấp (chỉ đạt 40%) do cá bột chưa quen với môi trường, khí hậu, nguồn nước, sức đề kháng kém. Nhiều lứa cá tầm, Công ty nuôi hơn 3 tháng vẫn chết do không thích nghi được với môi trường mới. Để chủ động giống, lãnh đạo Công ty đã đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I (Hà Nội) tìm hiểu kỹ thuật ươm cá bột.

25/02/2015
“Vua” Tôm Hùm Bình Ba Tây “Vua” Tôm Hùm Bình Ba Tây

Năm nay 44 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Huy đã có 11 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh được bao bọc bởi sóng và gió, thuở thiếu thời của anh Huy là những tháng ngày lênh đênh trên biển.

25/02/2015
Gia Lai Địa Chỉ Cung Cấp Giống Cá Chất Lượng Gia Lai Địa Chỉ Cung Cấp Giống Cá Chất Lượng

Hệ thống sông, suối, ao, hồ, đập, hồ chứa hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi được xác định là nguồn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

25/02/2015