Đắk Nia Được Mùa Lúa Lai Vụ Hè Thu

Những ngày này, trên các cánh đồng lúa, đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đang khẩn trương bước vào mùa thu hoạch lúa lai. Vụ này, bà con ở đây đã chú trọng đưa vào gieo cấy các loại giống lúa lai nên đã đem lại năng suất cao và chất lượng gạo thơm, ngon.
Tại cánh đồng lúa lớn của xã, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được Trạm Khuyến nông thị xã Gia Nghĩa chọn làm điểm cho mô hình trồng lúa lai Hương ưu 3068 đã tập trung nhân lực, huy động máy móc, phương tiện để thu hoạch.
Ông K’Riêng ở bon Ting Wel Đơm, một trong số 10 hộ tham gia mô hình vui mừng cho biết: “Tôi đã trồng lúa hơn 40 năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên được gieo cấy một giống lúa lai có năng suất cao đến như vậy. Với 3 sào, gia đình chỉ đầu tư hết 450.000 đồng tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng gặt về được khoảng 2,3 tấn lúa, đạt năng suất trên 7 tạ/sào, trừ chi phí còn lãi trên 15 triệu đồng”.
Còn chị H’Ông cũng ở bon Ting Wel Đơm thì chia sẻ: "Trước khi triển khai mô hình, cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật gieo cấy lúa lai rất cụ thể như cách làm đất, xử lý hạt giống, hướng dẫn sạ, cấy đúng kỹ thuật và tôi đã áp dụng vào đồng ruộng của mình.
Trong quá trình chăm sóc lúa, cán bộ kỹ thuật của trạm kết hợp với cộng tác viên, khuyến nông viên cùng với gia đình thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa để kịp thời xử lý sâu, bệnh. Tôi cũng như bà con ở đây giờ đã thay đổi về tập quán canh tác và sẽ trồng giống lúa này trong các vụ mùa tới”.
Bà Lê Thị Thơm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Đơn vị đã triển khai xây dựng mô hình gieo cây lúa lai Hương ưu 3068 với tổng diện tích 2 ha cho 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đắk Nia.
Nhìn chung, bà con đã tuân thủ theo đúng kỹ thuật. Giống lúa lai Hương ưu 3068 có thời gian sinh trưởng khoảng 115 ngày với những ưu điểm như chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là rầy nâu và bạc lá. Thân lúa phát triển khỏe, đẻ nhiều nhánh, bông dài và to nên cho năng suất cao, đạt từ 7-9 tấn/ha, cao hơn các giống lúa thuần khoảng gấp 2 lần”.
Trong vụ hè thu này, toàn xã Đắk Nia có 45 ha lúa được nông dân tập trung gieo cấy tại bon Ting Wel Đơm và 2 thôn là Đắk Tân, Nam Rạ. Đa số các hộ trồng lúa trên địa bàn xã đều là dân tộc Mạ, M’nông và các dân tộc thiểu số ở phía Bắc.
Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nia cho biết: “Vụ mùa này, xã có khoảng 50% diện tích được nông dân chọn trồng các giống lúa lai như Hương ưu 3068, PHB71, Nhị ưu 838... đều cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha.
Đa số các hộ dân gieo cấy lúa chủ yếu để cung cấp lương thực cho gia đình nên việc trồng lúa lai sẽ giúp cho họ đảm bảo lương thực tại chỗ và góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong các mùa vụ sau, địa phương sẽ khuyến kích đồng bào dân tộc thiểu số gieo cấy các giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa của xã”.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/dak-nia-duoc-mua-lua-lai-vu-he-thu-35552.html
Có thể bạn quan tâm

Ông Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết, nghề nuôi chim cút tại khu phố phát triển mạnh khoảng 4 năm trở lại đây. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khu phố đã thành lập Tổ chăn nuôi chim cút và nhận được sự hưởng ứng của các hộ chăn nuôi.

Sáng qua (8/9), tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cu Ba – bà Maria Del Carmen Concepcion Gonzalez, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh cây cao su, hiện nay người dân xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đang chú trọng vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Những mô hình chăn nuôi gà bằng trại lạnh, nuôi heo giống mới... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Chuối Laba còn gọi là chuối tiến vua, chuối Dạ hương, ruột vàng có vị ngọt thanh, thơm dẻo rất đặc trưng, khi chín không có vị chua, nhão như các loại chuối thông thường, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) công nhận là mặt hàng đặc sản của Đà Lạt – Lâm Đồng.

Theo một số trang trại chuyên nuôi cá nước ngọt trong tỉnh Đồng Nai, giá cá lóc bán tại ao, bè hiện đã lên đến 40-42 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 10-12 ngàn đồng/kg so với dịp đầu tháng 5-2014. Giá cá rô đồng tăng 6-8 ngàn đồng/kg, lên 38-40 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, giá các loại cá nước ngọt khác, như: chép, điêu hồng, trắm... mua tại ao, bè cũng tăng từ 3-4 ngàn đồng/kg.