Đắk Glong Phát Triển Diện Tích Trồng Cây Thanh Long Ruột Đỏ

Mùa mưa năm 2011, Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Hợp Tiến (Đắk Glong) đã đưa 20.000 cây giống thanh long ruột đỏ về cho xã viên trồng trên diện tích 5 ha tại xã Quảng Sơn. Sau 3 năm, những vườn cây này đã bước vào thời kỳ kinh doanh, cho thu nhập cao.
Điển hình như gia đình chị Bùi Thị Nhị được HTX hỗ trợ trồng 1 ha thanh long ruột đỏ và đến nay đã cho thu hoạch gần 30 tấn quả, bán với giá 35.000 đồng/kg, tính ra gia đình lời khoảng 300 triệu đồng. Từ một hộ kinh tế khó khăn, nhờ trồng thanh long, gia đình chị đã có điều kiện kinh tế vững vàng.
Theo chị Nhị thì nhờ HTX Hợp Tiến giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, đất đai nên gia đình có cơ hội phát triển kinh tế. Tương tự, 4 gia đình khác kinh tế cũng đều khá lên nhờ được HTX chỉ cách phát triển kinh tế từ cây thanh long ruột đỏ.
Thấy hiệu quả kinh tế, hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn huyện cũng đã chú ý đến việc trồng cây thanh long ruột đỏ, ước tính diện tích hiện nay đã được khoảng 10 ha.
Ông Phạm Tấn Thắng, một người dân ở xã Quảng Sơn cho biết: “Sau khi tham quan các vườn thanh long của HTX trên địa bàn, thấy cây phát triển tốt, quả nhiều, ăn ngọt và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định đầu tư trồng. Thanh long chỉ mất vốn đầu tư ban đầu, còn sau đó cho thu hoạch tới 15 năm nên thật sự là cây trồng phù hợp với nông dân. Hiện nay, gia đình đã làm trụ và dự kiến trồng khoảng 1,5 ha”.
Được biết, trong mùa mưa năm 2013, sau khi khảo nghiệm thực tế từ các hộ dân đã trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Glong cũng đã triển khai hỗ trợ cho 14 hộ dân ở xã Quảng Khê trồng 2,5 ha, hiện các vườn đều phát triển khá tốt.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay cà phê là loại cây công nghiệp chủ lực ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Với diện tích gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ xóa đói giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú.

Trong 2 năm 2013-2014, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) có 56 nông dân duy trì trồng màu chuyên canh, 17 nông dân lập vườn trồng cây ăn trái và kết hợp dịch vụ phục vụ du lịch. Xã hiện có 6 mô hình sản xuất- kinh doanh nông thôn, góp phần đa dạng hóa các ngành nghề làm ăn trên đất cù lao.

Chúng tôi về Ninh Thọ, TX Ninh Hòa những ngày này, khi các cánh đồng lúa 1 vụ và những vùng đất chân cao nông dân trồng ớt đã bước vào mùa thu hoạch rộ. Không khí thu hoạch ớt trên ruộng rất khẩn trương, cứ 3 - 4 ngày nông dân lại hái ớt bán cho các vựa.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), người dân trồng gừng Tết năm nay trúng mùa, được giá. Toàn huyện có gần 200 ha gừng Tết, được trồng ở các xã: Quơn Long, Bình Phan, Bình Phục Nhứt và Tân Thuận Bình.

Sau nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng quy mô, đến nay gia đình anh Thảo đã có trại nấm mèo, bào ngư gần 100 bịch. Anh Thảo cho biết: Trồng nấm dễ, không mất nhiều thời gian, công sức nhưng để duy trì nghề này thì phải biết kỹ thuật, kinh nghiệm và kiên trì, chịu khó.