Đặc sản Việt đại hạ giá vẫn lép vế trước trái cây ngoại

Chị Hoa, chủ sạp trái cây ở chợ Văn Thánh cho biết, hơn tháng nay chị giảm lấy bòn bon trong nước để chuyển qua nhập bòn bon có xuất xứ Thái Lan vì sản phẩm này được khách hàng ưa chuộng.
“Tháng trước, mỗi ngày tôi bán sỉ và lẻ khoảng 1-2 thùng bòn bon Thái (20kg) với giá 60.000 đồng một kg. Trong khi đó, loại của Việt Nam giá chỉ 40.000-45.000 đồng, nhưng khách không chuộng mua vì quả nhỏ mà ăn lại chua hơn so với hàng ngoại”, chị Hoa nói.
Tiểu thương này cũng cho biết, trong số các loại trái cây bán tại sạp của chị, bòn bon đang là loại bán chạy nhất nhờ quả mọng, tròn, đều. Nếu bán sỉ với số lượng lớn, chị còn bớt 5.000-7.000 đồng mỗi kg cho khách.
Không chỉ chị Hoa hào hứng với bòn bon Thái, tại chợ Bà Chiểu, Thị Nghè (Bình Thạnh) hầu hết các tiểu thương đều chọn loại này để kinh doanh, cộng thêm măng cụt Thái cũng là mặt hàng được bán rộng rãi bên cạnh sản phẩm mang thương hiệu Lái Thiêu.
Chị Hằng, tiểu thương chợ Thị Nghè cho hay, mặc dù măng cụt Cái Mơn, Lái Thiêu đang ồ ạt chuyển về thành phố, nhưng chị vẫn không quên nhập thêm hàng từ Thái để người tiêu dùng lựa chọn.
Theo chị Hằng, măng cụt Việt Nam giá rẻ hơn hàng Thái 5.000 đồng một kg, nhưng sản phẩm này chưa được chăm sóc và có kỹ thuật canh tác kỹ lưỡng nên nhiều trái bị sâu, thiếu đồng đều. Cứ một kg măng cụt trung bình 10-15 trái thì có tới 30% vỏ bị cứng và hỏng bên trong. Còn với hàng Thái, đa phần trái mềm, lượng cơm ở trong dày. Nhiều khách ăn quen còn thường xuyên đặt hàng và chị cho giao tới tận nhà.
Hiện măng cụt Thái có giá 45.000 đồng một kg, thời điểm đầu vụ giá lên tới 80.000 đồng. Trong khi đó, măng cụt Việt chỉ quanh mức 35.000-40.000 đồng một kg.
Bơ sáp Mỹ được đóng gói kỹ càng tại siêu thị có giá 280.000 đồng một kg.
Bên cạnh măng cụt, bòn bòn, hiện nay bơ sáp, mận Mỹ cũng len lỏi và lấn lướt hàng Việt. Nếu bơ trong nước từ các tỉnh Tây Nguyên đang đổ về, giá chỉ 15.000-40.000 đồng một kg, thì hàng Mỹ đang được nhiều hệ thống siêu thị nhập bán với giá 249.000-280.000 đồng một kg. Tại cửa hàng trái cây quà tặng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), bơ Mỹ được xếp vào nhóm hàng “đặc biệt” và được bán với giá 358.000 đồng một kg. Loại này được giới thiệu là thơm, ngọt, bùi.
Nhân viên cửa hàng cho biết, nếu so với giá bơ Việt thì loại này đắt gấp nhiều lần, tuy nhiên, so với các loại trái cây nhập khẩu khác như dâu tây Mỹ, cherry, thì đây là sản phẩm có mức giá hợp lý. “Một trong những lý do bơ nội lép vế bơ ngoại là khâu bảo quản không tốt, trái dễ bị thối đầu nên khách chê”, nhân viên này cho biết.
Bơ Việt chất đống đầy đường.
Không chỉ các kênh bán hàng truyền thống ưu tiên cho trái cây có xuất xứ từ nước ngoài thì trên mạng, các sản phẩm này cũng được bán rầm rộ. Đặc biệt mãng cầu (na) của Thái thời gian này đang rất hút khách, nhiều cửa hàng online cho biết liên tục "cháy" hàng.
Chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội cho hay, bòn bon, nhãn, na nhập từ Thái Lan của chị đều đang hết hàng. "Ưu điểm của các sản phẩm này là trái to, mọng, có vị ngọt đậm đà. Riêng đối với na Thái, tuần trước tôi mới nhập 40kg nhưng bán chỉ trong 2 ngày là hết nên đang cố gắng tìm nguồn nhập thêm để cung cấp cho khách hàng", chủ cửa hàng này nói.
Chị cũng cho biết, trước đó có bán na trong nước nhưng không được khách ưa chuộng vì sản phẩm này nhiều hạt, vị ngọt thất thường, trọng lượng mỗi trái chỉ 200-300gram. Hiện na Việt có giá dao động 20.000-50.000 đồng một kg, còn hàng Thái giá 100.000-120.000 đồng, trung bình mỗi trái nặng 0,5-0,7 kg mà vẫn thiếu hàng để bán.
Có thể bạn quan tâm

Trong chương trình chuyển đổi từ vùng đất trồng lúa sang nuôi thuỷ sản, Nhà Bè là một trong những đơn vị đi đầu về những mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao. Song, tình hình nuôi thuỷ sản gặp nhiều khó khăn như nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 2/2014 ước đạt 369,5 nghìn tấn (tăng 4% so với cùng kỳ 2013), trong đó sản lượng khai thác đạt 228,5 nghìn tấn (tăng 7,6%), sản lượng nuôi trồng đạt 141 nghìn tấn (đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2013)

Trong những năm gần đây, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác, sử dụng tốt tiềm năng, mặt nước, lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Chúng tôi theo chiếc xuồng máy chở thức ăn, thăm các bè cá bớp ở bãi trước Mũi Né (Phan Thiết - Bình Thuận). Nước biển xanh trong và có phần ít sóng, và có lẽ chưa đến giờ cho cá ăn nên những người nuôi cá bè có phần thong thả. Một vài người thay vì ngồi trong các nhà lều nổi, ra đứng trên bè cá nhìn vào bờ.

Khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào bay, giã cào điện ở vùng gần bờ đã tác động xấu đến môi trường sinh thái, làm giảm nguồn lợi thủy sản, gây nên sự tranh chấp ngư trường, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh trên biển. Tuy nhiên, việc ngăn chặn kiểu đánh bắt này lại không dễ dàng.