Đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo

Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong tháng 10, các doanh nghiệp đã XK được 687.663 tấn gạo, trị giá 269,5 triệu USD. Như vậy, tháng 10 là tháng có lượng gạo XK đạt cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng trên 100.000 tấn so với cùng kỳ 2014.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, tổng lượng gạo XK đạt 5,038 triệu tấn, trị giá 2,079 tỉ USD (giá FOB), giảm trên 300.000 tấn và trên 300 triệu USD so với cùng kỳ 2014.
Do nhu cầu thu mua XK tăng cao, nên giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL vẫn đang có xu hướng tăng lên.
Cuối tháng 10, giá lúa khô loại thường tại kho dao động từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.550 - 5.650 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm khoảng 6.950 - 7.050 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.850 - 6.950 đồng/kg;
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 8.000 - 8.100 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 7.800 - 7.900 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.600 - 7.700 đồng/kg
Đề xuất 5 nhóm giống lúa XK chủ lực cho vụ Đông Xuân
TTXVN dẫn nguồn của VFA cho biết, trên cơ sở kết quả XK từ đầu năm 2015 đến nay, VFA đề xuất 5 nhóm giống lúa chủ lực trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016 nhằm khuyến khích cho nông dân ĐBSCL gieo cấy trong thời gian tới.
Cụ thể, nhóm gạo thơm gồm các giống như Jasmine 85, Nàng Hoa, ST 5, ST 20, OM 4900, VD 20. Nhóm gạo trắng hạt dài gồm các giống OM 5451, OM 6976, OM 4218…
Nhóm gạo trắng thông thường gồm các giống IR 50404. Nhóm gạo đặc sản gồm các giống Japonica bắt đầu được trồng nhiều tại Việt Nam. Nhóm nếp có các giống IR 4625, Nếp Bè…
Qua đề xuất các nhóm giống trên cho thấy lần đầu tiên VFA khuyến khích nông dân ĐBSCL gieo trồng giống lúa IR 50404. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, dễ chăm sóc, nhưng có chất lượng gạo trung bình.
Tuy nhiên, giống lúa này chỉ nên sản xuất trong vụ lúa Đông Xuân thì có chất lượng gạo cao hơn các vụ khác và dễ XK sang các thị trường khu vực Đông Nam Á và châu Phi.
Ngoài ra, giống nếp cũng được VFA khuyến khích nông dân gieo cấy vì gần đây tình hình XK gạo nếp khá tốt, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.
Theo VFA, qua 9 tháng năm 2015, cơ cấu nhóm gạo trắng chất lượng cao chiếm 27,5% khối lượng XK, gạo thơm chiếm 25%, gạo trắng trung bình chiếm 13,69%, gạo trắng cấp thấp chiếm 11,29%, gạo tấm chiếm 9,43%, nếp chiếm 8,57% và gạo Japonica chiếm hơn 1%.
Vụ lúa Đông Xuân 2015 - 2016 toàn vùng Nam Bộ có kế hoạch gieo cấy hơn 1,6 triệu ha, trong đó khu vực ĐBSCL sẽ gieo cấy 1.563.300 ha.
Sản lượng lúa toàn vùng ước đạt 11.590.450 tấn, trong đó sản lượng lúa khu vực ĐBSCL dự kiến là 11.155.300 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 16/10, Dự án Mây Tre Keo bền vững WWF-Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn kế hoạch phát triển ngành Mây Tre tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2020.

Cái vòng luẩn quẩn, tìm chỗ đứng cho loài cây bám trụ trên đất rẫy ở Thới Bình (Cà Mau), vẫn cứ bấp bênh từ nhiều năm nay. Vùng đất phèn mặn này trước đây người nông dân trồng cây khóm, cây tràm rồi cây trúc…

Xuất phát điểm chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng bằng ý chí và quyết tâm làm giàu, ông Nguyễn Hành, ngụ thôn Trường Giang, xã Trà Tân (Trà Bồng - Quảng Ngãi) trở thành nông dân tiêu biểu của vùng đất quế, khi hằng năm thu lãi gần 300 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Từng mang lại đời sống sung túc cho hàng trăm ngàn hộ công nhân và vùng trồng cao su, bỗng chốc cây trồng chủ lực này của Tây Nguyên và nhiều tỉnh trong cả nước lại bị chủ nhân quay lưng, thậm chí nhiều nơi đốn hạ không thương tiếc. Tất cả chỉ vì một lý do: Giá.

Tờ Nikkei Asian Review cho biết, tập đoàn Kitoku Shinryo của Nhật Bản sẽ đầu tư 3,36 triệu USD để phát triển giống lúa chất lượng cao tại Việt Nam.