Đã Có Chủ Trương Bỏ 1 Vụ Lúa Để Trồng Màu

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (ảnh) vừa có chuyến khảo sát về tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ 1 vụ lúa sang trồng 1 vụ màu ở một số địa phương ĐBSCL.
Phóng viên NTNN đã phỏng vấn nhanh Cục trưởng xoay quanh vấn đề này.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ lúa vụ 3. Theo ông liệu giải pháp này có khả thi?
- Bỏ 1 vụ lúa và chuyển đổi sang trồng các loại cây màu khác đã là chủ trương mà Bộ NNPTNT khuyến khích các địa phương thực hiện trong các năm qua. Thực tế hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện chủ trương này và nhiều mô hình trồng màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần, làm giàu cho nhiều nông dân.
Nếu bỏ 1 vụ lúa thì nông dân nên trồng loại cây gì để thay thế, thưa ông?
- Theo số liệu của các ban ngành, năm 2012 nước ta phải nhập khẩu đậu nành 1.276.000 tấn, với giá trị 755 triệu USD. Tương tự, bắp cũng phải nhập khẩu từ 1 - 1,2 triệu tấn/năm.
Đây là 2 mặt hàng nông sản mà nước ta hoàn toàn có khả năng gia tăng sản xuất, cần tính toán đẩy mạnh trồng trong cơ cấu mùa vụ. Ngoài ra, các loại rau màu có giá trị kinh tế cao cũng rất phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân vùng ĐBSCL.
Theo ông, nếu chúng ta bỏ hẳn 1 vụ lúa sang trồng màu thì liệu đầu ra có ai lo được như cây lúa không?
- Đây chính là vấn đề quan trọng nhất trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hiện nay. Thực tế Bộ NNPTNT đã khuyến khích chuyển đổi 1 vụ lúa sang 1 vụ màu trong nhiều năm qua nhưng nhiều tỉnh không đẩy diện tích màu lên được, một phần cũng vì nguyên nhân này.
Các loại rau màu, khoai lang, trái cây, chúng ta sản xuất chỉ mới tiêu thụ trong nước, xuất khẩu còn rất hạn chế hoặc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên việc tiêu thụ còn rất bấp bênh. Chính vì thế, trong vấn đề này, chúng ta phải rất linh hoạt, trồng màu xen lúa rải vụ ra.
Không nhất thiết là bỏ lúa vụ 3, mà tùy vào điều kiện đất đai thổ nhưỡng, thời tiết của từng vùng có thể bỏ lúa vụ 2 để trồng xen 1 vụ màu hoặc chỉ trồng 1 vụ lúa – 2 vụ màu trong 1 năm nhằm giảm áp lực tiêu thụ tập trung vào một thời điểm.
Như đã nói ở trên, 2 cây trồng chủ lực mà trong đợt khảo sát này chúng tôi thấy có thể chuyển đổi sang trồng thay 1 vụ lúa là bắp và đậu nành. Chúng ta phải xây dựng được một hệ thống phân phối và tiêu thụ cho 2 loại cây trồng này.
Nông dân sẽ sản xuất dựa trên đơn đặt hàng của DN. Khi đó khoa học kỹ thuật cũng phải đưa vào, việc liên kết 4 nhà là không thể thiếu. Tóm lại nhìn toàn cục để có thể bỏ 1 vụ lúa qua trồng 1 vụ màu là không dễ, cần phải có thời gian, đặc biệt phải có sự phối hợp đồng bộ cùng làm của rất nhiều ban ngành và thành phần kinh tế, xã hội.
Xin cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm khai thác thế mạnh tự nhiên, phát huy lợi thế nguồn lao động dồi dào, bảo đảm an ninh lương thực, từ năm 2009, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai thực hiện đề án xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao

Khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã khiến việc tiêu thụ cà phê bị sụt giảm.

Trước khi bén duyên với nuôi lợn, anh Trần Văn Lưu ở thôn Nam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã từng làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ vữa, rồi đi bẻ nhãn thuê…

Vụ sản xuất năm 2012, nhiều diêm dân ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua bạt lót, xây ruộng bằng xi măng để tăng năng suất, chất lượng muối.

Ông Nguyễn Xuân Hà ngụ tại ấp 6, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành (Bình Phước) phân trần: Cả 1,2 ha điều 15 tuổi này bán củi chỉ được 20 triệu, nhưng cũng phải cưa vì điều vừa thất mùa lại vừa xuống giá; vụ vừa qua bán chỉ được 20 triệu, trừ chi phí còn chưa đầy 10 triệu.