Đã Có Chủ Trương Bỏ 1 Vụ Lúa Để Trồng Màu

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (ảnh) vừa có chuyến khảo sát về tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ 1 vụ lúa sang trồng 1 vụ màu ở một số địa phương ĐBSCL.
Phóng viên NTNN đã phỏng vấn nhanh Cục trưởng xoay quanh vấn đề này.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ lúa vụ 3. Theo ông liệu giải pháp này có khả thi?
- Bỏ 1 vụ lúa và chuyển đổi sang trồng các loại cây màu khác đã là chủ trương mà Bộ NNPTNT khuyến khích các địa phương thực hiện trong các năm qua. Thực tế hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện chủ trương này và nhiều mô hình trồng màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần, làm giàu cho nhiều nông dân.
Nếu bỏ 1 vụ lúa thì nông dân nên trồng loại cây gì để thay thế, thưa ông?
- Theo số liệu của các ban ngành, năm 2012 nước ta phải nhập khẩu đậu nành 1.276.000 tấn, với giá trị 755 triệu USD. Tương tự, bắp cũng phải nhập khẩu từ 1 - 1,2 triệu tấn/năm.
Đây là 2 mặt hàng nông sản mà nước ta hoàn toàn có khả năng gia tăng sản xuất, cần tính toán đẩy mạnh trồng trong cơ cấu mùa vụ. Ngoài ra, các loại rau màu có giá trị kinh tế cao cũng rất phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân vùng ĐBSCL.
Theo ông, nếu chúng ta bỏ hẳn 1 vụ lúa sang trồng màu thì liệu đầu ra có ai lo được như cây lúa không?
- Đây chính là vấn đề quan trọng nhất trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hiện nay. Thực tế Bộ NNPTNT đã khuyến khích chuyển đổi 1 vụ lúa sang 1 vụ màu trong nhiều năm qua nhưng nhiều tỉnh không đẩy diện tích màu lên được, một phần cũng vì nguyên nhân này.
Các loại rau màu, khoai lang, trái cây, chúng ta sản xuất chỉ mới tiêu thụ trong nước, xuất khẩu còn rất hạn chế hoặc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên việc tiêu thụ còn rất bấp bênh. Chính vì thế, trong vấn đề này, chúng ta phải rất linh hoạt, trồng màu xen lúa rải vụ ra.
Không nhất thiết là bỏ lúa vụ 3, mà tùy vào điều kiện đất đai thổ nhưỡng, thời tiết của từng vùng có thể bỏ lúa vụ 2 để trồng xen 1 vụ màu hoặc chỉ trồng 1 vụ lúa – 2 vụ màu trong 1 năm nhằm giảm áp lực tiêu thụ tập trung vào một thời điểm.
Như đã nói ở trên, 2 cây trồng chủ lực mà trong đợt khảo sát này chúng tôi thấy có thể chuyển đổi sang trồng thay 1 vụ lúa là bắp và đậu nành. Chúng ta phải xây dựng được một hệ thống phân phối và tiêu thụ cho 2 loại cây trồng này.
Nông dân sẽ sản xuất dựa trên đơn đặt hàng của DN. Khi đó khoa học kỹ thuật cũng phải đưa vào, việc liên kết 4 nhà là không thể thiếu. Tóm lại nhìn toàn cục để có thể bỏ 1 vụ lúa qua trồng 1 vụ màu là không dễ, cần phải có thời gian, đặc biệt phải có sự phối hợp đồng bộ cùng làm của rất nhiều ban ngành và thành phần kinh tế, xã hội.
Xin cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 9/2013, Trung tâm sách Kỷ lục VN tiếp tục triển khai hành trình quảng bá, ẩm thực đặc sản VN lần thứ 2/2013 và đã gửi hồ sơ đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á về 10 món ăn nổi tiếng và 8 đặc sản quà tặng của VN, trong đó có quế Trà Bồng.

Sau 11 tháng thả nuôi, anh Phong tuyển chọn thu trước gần 300 kg ba ba thương phẩm với giá bán trên 300.000 đ/kg, trừ hết chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng.

Từ nguồn kinh phí của cơ quan khuyến nông quốc gia, vụ Hè thu 2014, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Vị Thủy (Hậu Giang) kết hợp với xã Vị Thanh triển khai thực hiện thí điểm chương trình “Áp dụng 3 giảm, 3 tăng kết hợp với kỹ thuật trồng lúa sinh thái, tăng năng suất, nhưng giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới (gọi tắt SRI), tại cánh đồng mẫu lớn xã Vị Thanh.

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), vụ vải thiều năm nay, huyện dành 500 triệu đồng từ ngân sách để hỗ trợ thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

So với cùng kỳ năm trước thì hiệu quả những tháng đầu vụ không được như ý muốn, nếu không muốn nói là quá thất vọng.