Cứu Gia Súc Trong Lũ Dữ

Thống kê sơ bộ, trong trận lũ lụt kinh hoàng từ đêm 15.11.2013 ở Quảng Ngãi, trận lũ mà đỉnh lũ trên sông Trà Khúc và sông Vệ đều vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới 40cm, toàn tỉnh đã có hơn 280.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Gia súc thì chủ yếu là bò và heo. Gia cầm thì chủ yếu là gà và vịt.
Ở những nơi nước lũ lên nhanh từng phút, mức nước cao tới 2 mét trở lên bất ngờ tràn ập vào nhà, thì việc cứu gia súc và gia cầm là rất khó, khi mọi ưu tiên lúc ấy giành cho việc cứu người, bảo đảm an toàn tính mạng cho người. Nhưng trong thực tế, có nhiều nơi khi mức nước lũ vào nhà chỉ cao khoảng 1 mét, nhưng do gia chủ…ngủ quên, hay không chủ động theo dõi thông tin để kịp thời ứng phó, nên gia súc và gia cầm vẫn bị nước cuốn trôi.
Với những gia đình nông dân, thì gia súc và gia cầm có thể là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất trong nhà. Nó còn đắt giá hơn cả xe máy và ti-vi nữa. Mỗi con bò giống bây giờ đều có giá hơn mười triệu đồng. Heo nái hay heo thịt lớn cũng ngót triệu đồng. Gà vịt thì tùy số lượng bị chết, thiệt hại cũng khá lớn. Nhiều gia đình nông dân đã trắng tay sau khi mất hết gia súc và gia cầm sau trận lũ này. Ai cũng nói là bị bất ngờ, không trở tay kịp. Đúng là lũ ập tới rất bất ngờ, có khi không thể tính bằng giờ, mà bằng phút. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, nước có thể dâng lên tới 2 mét. Đó là điều xưa nay chưa từng có.
Nhưng, có những gia đình nông dân, trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, vẫn nhanh chóng tìm mọi cách để tự cứu tài sản của mình. Tài sản ở đây chính là gia súc và gia cầm. Chủ yếu là gia súc.
Cháu bên ngoại tôi, quê thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), là địa phương chịu lũ lụt rất nặng, do ở sát bờ sông. Nước lũ ập vào nhà, dâng cao tới 2 mét. Cả nhà phải leo lên rầm nhà ngồi tránh lũ. Vậy mà trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi trước khi nước lũ dâng tới mức cao nhất, cháu tôi đã kịp cột con bò giống lên gò cao sau nhà, và bồng bế được 10 con heo con cùng lên rầm nhà tránh lũ với mình. Nhà có 2 con heo nái bị lũ cuốn trôi, thì một con được bác hàng xóm tốt bụng vớt được và vẫn còn sống. Khi nước bắt đầu rút, đàn heo nhỏ 10 con vẫn an toàn, một con heo nái được cứu sống, chú bò giống cũng thoát hiểm. Như thế, cháu tôi chỉ bị mất đàn gà, 1 con heo nái, 1 con heo thịt. Đó là thiệt hại thấp nhất, trong hoàn cảnh bị nước lũ tàn phá nặng nề nhất.
Đã có những gia đình nông dân cứu được tài sản gia súc gia cầm của mình như cháu tôi khi nước lũ dâng cao. Những gia đình ấy, theo tôi, cần được chính quyền kịp thời biểu dương. Dù họ chỉ cứu được tài sản là gia súc của mình, nhưng đó chính là tài sản có thể giúp họ không bị tái nghèo, hay thậm chí không bị trắng tay, sau lũ.
Trong việc họ cứu được gia súc của mình, chính Nhà nước cũng đỡ bớt gánh nặng, vì không phải trợ cấp khó khăn cho họ.
Những kỹ năng đã thành kinh nghiệm của người dân vùng lũ lụt trải qua bao đời, những kỹ năng ấy cần được phát huy, nhân rộng bằng những đợt tập huấn cho dân do chính quyền tổ chức. Và những sáng kiến, những kỹ năng hữu dụng giúp bảo vệ được an toàn tính mạng và tài sản của người dân cũng cần được chính quyền khen thưởng biểu dương kịp thời. Để làm tấm gương cho dân vùng lũ học tập và thực hành.
Có thể bạn quan tâm

Thời tiết bất thường, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời không được khuyến khích.

Ngày 27/11/2013, tại Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã tổ chức buổi họp báo "Hội thi – Triển lãm Bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh lần IV - năm 2013". Được biết, hiện nay tổng số lượng bò sữa của TP khoảng 90.000 con, với chu kỳ cho sữa trung bình hàng năm là 6000 lít/con/chu kỳ cho sữa.

Cách đây gần 10 năm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 50ha.

Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) là địa phương vốn có truyền thống trồng lạc thương phẩm, nhưng từ khi tham gia liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống thuộc “dự án cạnh tranh nông nghiệp”, bà con ở đây không chỉ có thêm thu nhập mà mở ra hướng làm ăn mới.

Ngày 27-11, Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức Hội nghị quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nấm Thái Nguyên”. Tham dự có 70 hộ sản xuất nấm tại 5 xã, thị trấn gồm: Phấn Mễ, Động Đạt, Yên Trạch, Đu và Giang Tiên.