Cứu Gia Súc Trong Lũ Dữ

Thống kê sơ bộ, trong trận lũ lụt kinh hoàng từ đêm 15.11.2013 ở Quảng Ngãi, trận lũ mà đỉnh lũ trên sông Trà Khúc và sông Vệ đều vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới 40cm, toàn tỉnh đã có hơn 280.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Gia súc thì chủ yếu là bò và heo. Gia cầm thì chủ yếu là gà và vịt.
Ở những nơi nước lũ lên nhanh từng phút, mức nước cao tới 2 mét trở lên bất ngờ tràn ập vào nhà, thì việc cứu gia súc và gia cầm là rất khó, khi mọi ưu tiên lúc ấy giành cho việc cứu người, bảo đảm an toàn tính mạng cho người. Nhưng trong thực tế, có nhiều nơi khi mức nước lũ vào nhà chỉ cao khoảng 1 mét, nhưng do gia chủ…ngủ quên, hay không chủ động theo dõi thông tin để kịp thời ứng phó, nên gia súc và gia cầm vẫn bị nước cuốn trôi.
Với những gia đình nông dân, thì gia súc và gia cầm có thể là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất trong nhà. Nó còn đắt giá hơn cả xe máy và ti-vi nữa. Mỗi con bò giống bây giờ đều có giá hơn mười triệu đồng. Heo nái hay heo thịt lớn cũng ngót triệu đồng. Gà vịt thì tùy số lượng bị chết, thiệt hại cũng khá lớn. Nhiều gia đình nông dân đã trắng tay sau khi mất hết gia súc và gia cầm sau trận lũ này. Ai cũng nói là bị bất ngờ, không trở tay kịp. Đúng là lũ ập tới rất bất ngờ, có khi không thể tính bằng giờ, mà bằng phút. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, nước có thể dâng lên tới 2 mét. Đó là điều xưa nay chưa từng có.
Nhưng, có những gia đình nông dân, trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, vẫn nhanh chóng tìm mọi cách để tự cứu tài sản của mình. Tài sản ở đây chính là gia súc và gia cầm. Chủ yếu là gia súc.
Cháu bên ngoại tôi, quê thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), là địa phương chịu lũ lụt rất nặng, do ở sát bờ sông. Nước lũ ập vào nhà, dâng cao tới 2 mét. Cả nhà phải leo lên rầm nhà ngồi tránh lũ. Vậy mà trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi trước khi nước lũ dâng tới mức cao nhất, cháu tôi đã kịp cột con bò giống lên gò cao sau nhà, và bồng bế được 10 con heo con cùng lên rầm nhà tránh lũ với mình. Nhà có 2 con heo nái bị lũ cuốn trôi, thì một con được bác hàng xóm tốt bụng vớt được và vẫn còn sống. Khi nước bắt đầu rút, đàn heo nhỏ 10 con vẫn an toàn, một con heo nái được cứu sống, chú bò giống cũng thoát hiểm. Như thế, cháu tôi chỉ bị mất đàn gà, 1 con heo nái, 1 con heo thịt. Đó là thiệt hại thấp nhất, trong hoàn cảnh bị nước lũ tàn phá nặng nề nhất.
Đã có những gia đình nông dân cứu được tài sản gia súc gia cầm của mình như cháu tôi khi nước lũ dâng cao. Những gia đình ấy, theo tôi, cần được chính quyền kịp thời biểu dương. Dù họ chỉ cứu được tài sản là gia súc của mình, nhưng đó chính là tài sản có thể giúp họ không bị tái nghèo, hay thậm chí không bị trắng tay, sau lũ.
Trong việc họ cứu được gia súc của mình, chính Nhà nước cũng đỡ bớt gánh nặng, vì không phải trợ cấp khó khăn cho họ.
Những kỹ năng đã thành kinh nghiệm của người dân vùng lũ lụt trải qua bao đời, những kỹ năng ấy cần được phát huy, nhân rộng bằng những đợt tập huấn cho dân do chính quyền tổ chức. Và những sáng kiến, những kỹ năng hữu dụng giúp bảo vệ được an toàn tính mạng và tài sản của người dân cũng cần được chính quyền khen thưởng biểu dương kịp thời. Để làm tấm gương cho dân vùng lũ học tập và thực hành.
Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện tình yêu biển đảo của ngư dân Quảng Nam. Mô hình “đồng quản lý vùng biển” là ví dụ sinh động.

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã khai thác gần 20.000 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm đạt gần 2.800 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như cá và mực. Hiện tại, dù giá thủy sản không tăng so với năm trước, nhưng hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển vì đạt sản lượng. Cụ thể, đối với tàu lưới lãi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày, nghề lưới cá chim lãi từ 12 - 17 triệu đồng/chuyến/5 - 6 ngày; nghề lưới tôm thẻ lãi 6 - 10 triệu đồng/chuyến; nghề lưới cá chét lãi từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến/ 3 - 4 ngày… Riêng tàu đánh bắt xa bờ, lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/chuyến đi biển từ 1 - 3 tháng.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Thạnh Tây đã có từ khá lâu, tuy nhiên trước đây phần lớn là do Vườn quốc gia Gò Gò - Xa Mát tổ chức nuôi. Đến khoảng đầu năm 2013, khi VQG mở lớp đào tạo kỹ thuật và cung cấp con giống cho người dân ở xã Thạnh Tây thì nghề nuôi ong lấy mật mới được nông dân tiếp cận và phát triển. Tuy đây là một mô hình còn khá mới mẻ nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT Co.) cho biết, công ty đã ký hợp đồng đại lý độc quyền và tiêu thụ nhiều mặt hàng thủy sản với thương hiệu APT tại Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty hiện đang sản xuất thêm nhiều mặt hàng thủy sản tinh chế như chả giò, chạo tôm, há cảo… và thủy hải sản khô như cá chỉ vàng, cá điêu hồng... để chào hàng vào thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc… Đây là nhóm mặt hàng giá trị gia tăng đem lại hiệu quả cao.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi cá tra của thành phố là 667 ha bằng 96% so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng thu hoạch 12.095 tấn, bằng 66% so với cùng kỳ, năng suất bình quân 212 tấn/ha. Trong tháng 1 và 2, giá cá tra nguyên liệu từ 19.500 – 20.000 đồng/kg, các hộ nuôi lỗ từ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 3, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên 22.500 – 23.000 đồng/kg, các hộ nuôi hòa vốn. Về tình hình sản xuất giống cá tra, sau thời gian phát triển nóng từ năm 2012, đến nay, diện tích ương cá tra giống chỉ bằng 56 % so với cùng kỳ năm 2012 tương đương 595 ha, với sản lượng ước đạt 128 triệu con. Nguyên nhân khiến diện tích ương nuôi cá tra giống giảm là do cung vượt cầu trong năm 2012 khiến tình hình tiêu thụ khó khăn. Hiện tại, giá cá tra giống loại 2 phân (2 cm) đã tăng nhẹ lên 25.000 đồng/kg nhưng nguồn thả nuôi còn thấp.