Cựu Chiến Binh Trần Minh Đẳng Làm Giàu Từ Rắn Ri Tượng

Nắm bắt được thị trường rắn ri tượng có giá và nhu cầu nuôi rắn của người dân ngày càng cao, ông Trần Minh Đẳng ở ấp 15, xã Khánh Thuận (Cà Mau), quyết định đầu tư nuôi rắn sinh sản. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đến nay mô hình nuôi rắn ri tượng của ông Đẳng mang lại hiệu quả cao, trở thành địa chỉ tham quan, cung ứng con giống tin cậy cho người nuôi.
Chỉ với 2 con rắn ri tượng bố mẹ ban đầu, giờ đây ông Đẳng có đến hơn 20 con rắn bố mẹ sinh sản. Lúc đầu ông chỉ nuôi thử nghiệm rắn thịt, nhưng may mắn là 2 con rắn ông mua nuôi đều có mang con, vài tháng sau chúng đẻ hơn 10 rắn con. Số rắn này ông tiếp tục gây nuôi và nhân đàn.
Ông Đẳng cho biết, rắn ri tượng là loài dễ nuôi, chỉ cần diện tích vài mét vuông là có thể nuôi vài chục con rắn thương phẩm. Từ khi rắn nở, nếu được chăm sóc tốt, 1 năm rắn có thể đạt trọng lượng 1 kg. Nếu nuôi rắn sinh sản, chỉ cần 6 - 7 tháng nuôi là có thể phối giống được.
Rắn mẹ đạt trọng lượng 1 kg có thể đẻ hơn 15 rắn con. Hiện tại, 20 con rắn bố mẹ của ông Đẳng mỗi năm sinh sản hơn 300 rắn con. Với giá 80.000 đồng/con, gia đình ông Đẳng có thu nhập gần 30 triệu đồng/năm.
Ông Đẳng chia sẻ, rắn ri tượng có thể nuôi trong bể xi-măng, lu, khạp, kể cả can nhựa. Thức ăn của rắn là nhái, cá chốt, cá trê phi, rất dễ tìm, ít tốn chi phí. Tùy theo kích cỡ mà cho rắn ăn phù hợp.
Nhờ có kinh nghiệm nuôi rắn ri tượng sinh sản và biết chọn rắn bố mẹ chất lượng nên lượng rắn giống của ông không chỉ tiêu thụ dễ dàng ở địa phương mà còn bán đi các huyện như: Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình và TP Cà Mau. Có thời điểm không đủ rắn con để bán.
Rắn ri tượng là một loài động vật hoang dã phát triển và sinh sản tự nhiên, lại đang có giá rất hấp dẫn trên thị trường. Nếu được gây nuôi và chăm sóc kỹ, người dân có thể tận dụng ưu thế của loài động vật này mở ra cơ hội làm giàu cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 13-1, ông Nguyễn Văn Lắm cho biết vừa cào bắt được con cá chình nước ngọt cân nặng hơn 8,5 kg trên tuyến Kênh Xáng thuộc xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Bình thuận có đa dạng loại hình nuôi thủy sản như: sản xuất tôm giống, nuôi tôm, cá nước lợ, nuôi tôm cá bằng lồng bè trên biển, nuôi cá hồ chứa (cá tầm), nuôi cá nước ngọt trong ao đất, nuôi cá nước ngọt bằng lồng bè... Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai các mô hình nuôi thủy sản với mục tiêu đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản.

Khu bảo vệ thủy sản (BVTS) Cồn Chìm (Vinh Phú) thành lập thí điểm cuối năm 2009, được bà con ngư dân hưởng ứng và đồng thuận cao. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 10 khu BVTS giúp tôm, cá có nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá ở đầm phá.

Nằm bên dòng sông Sêrêpôk hoang dã, người dân thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thành công trong việc đưa cá lăng đuôi đỏ vào nuôi trong ao nước tĩnh đã góp phần làm hồi sinh dòng cá bản địa quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Bà con nuôi trồng thủy sản huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang rất phấn khởi khi mùa tôm vụ cuối năm thắng lớn. Theo ông Phạm Văn Chí, một hộ nuôi thành công tại đây cho biết, hiện tôm thẻ chân trắng cỡ 55-60 con/kg có giá từ 190-200 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục.