Cuộc Chiến Tôm Chích Tạp Chất Vẫn Còn Kéo Dài!

Tại ĐBSCL, vấn nạn tôm nguyên liệu có bơm chích tạp chất vẫn còn kéo dài và khó bị xử lý triệt để bởi nhiều nguyên nhân. Vấn nạn này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu con tôm Việt Nam, tại tỉnh Bạc Liêu nói riêng vấn nạn này vẫn còn và người chịu thiệt hại nhiều là người nuôi tôm.
Tại 2 huyện vùng Bắc Quốc lộ IA của Bạc Liêu là Giá Rai và Phước Long, 2 địa phương có tình trạng bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu “thành tích nhất” của tỉnh. Trong 9 vụ vi phạm tôm sú có chứa tạp chất mà cơ quan chức năng phát hiện từ đầu năm 2011 đến nay, có 4 trường hợp chủ lô hàng ở huyện Phước Long, Giá Rai có 3 vụ. Việc bơm chích tạp chất diễn ra khá thoải mái. Thâm nhập vào một cơ sở thu mua tôm nguyên liệu ở ngã tư Phó Sinh (thuộc xã Vĩnh Phú Tây và xã Phước Long, huyện Phước Long), chúng tôi nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại là người dân nơi đây “đồng thuận” với việc chích tạp chất vào tôm. Nhiều người dân nơi đây, phần đông là phụ nữ bỗng dưng trở thành “bác sỹ chích tôm”. Chỉ với vài giờ làm “bác sỹ” mỗi ngày, một người có thể kiếm trên 100.000 đồng. “Nguyên liệu pha chế” là rau câu được trữ trong những thùng phuy nhựa, để ở khu vực trước đây là chuồng nuôi heo. Khi nào có tôm, rau câu được nấu lại để tan chảy thành chất lỏng và các “bác sỹ tôm” sẽ ra tay bơm chích. Một người dân ở đây kể lại, rau câu để lâu ngày bị hư, có mùi, người ta nấu cho nó tan ra và trộn với nước xả vải comfort để không còn mùi ôi. Và thứ hỗn hợp này sẽ “giúp” con tôm tăng trọng hơn!
Huyện Phước Long, nuôi chủ yếu là quảng canh nên nguồn nguyên liệu rất thiếu cho 18 cơ sở thu mua tôm của huyện nên các chủ cơ sở phải sang huyện Giá Rai và Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang gom hàng. Mặc dù hoạt động bơm chính tạp chất diễn ra ì xèo, nhưng theo ông Võ Đức Truyện, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Tây cho hay: “Chưa phát hiện việc bơm tạp chất?!”. Trung tá Trần Quang Vũ, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Phước Long cho biết, từ đầu năm đến nay chỉ kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở. Năm 2010, có bắt 5 vụ bơm tạp chích vào tôm. Trung tá Vũ thừa nhận, khó làm căng xử lý triệt để với các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu này. Họ đóng thuế và ủng hộ tiền bạc nhiều cho địa phương nên khi công an làm thẳng tay thì UBND huyện sẽ can thiệp!
Theo ông Lâm Hồng Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản Bạc Liêu, khó khăn này là một sự thật ở nhiều địa phương. Thêm nữa, các tỉnh chưa triển khai chiến dịch “Nói không với tạp chất” đồng loạt nên tỉnh nào làm căng, cơ sở thu mua tôm sẽ chuyển địa bàn hoạt động sang vùng khác, cộng với việc do khan hiếm nguyên liệu nên các thương lái vẫn mua tôm có tạp chất để đưa ra thị trường. Hiện tại, bơm chích với liều lượng pha loãng và tinh vi hơn, do đó gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra.
Tôm có tạp chất vẫn còn hoạt động là bởi nhiều nhà máy chế biến thủy sản vẫn mua vào. Do thiếu tôm nguyên liệu nên dù biết mua tôm tạp chất là vi phạm, các nhà máy vẫn mua để đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Nếu không không đủ hợp đồng các đối tác sẽ kiện khi đó còn khó khăn hơn. Trong 31 trường hợp vi phạm tôm sú có tạp chất năm 2010, đã có đến 20 trường hợp vi phạm là các nhà máy chế biến thủy sản. Việc mua tôm có tạp chất, các nhà máy sẽ tốn tiền để loại bỏ tạp chất, chiếu xạ diệt vi sinh... các khoản này các nhà máy lại “đổ” xuống đầu nông dân. Nếu không ép giá với người tôm thì giá thành sản phẩm sẽ tăng. Trong chuỗi hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, người nuôi tôm chịu thiệt hại nhiều nhất.
Theo bà Phan Thu Oanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, để ngăn chặn tạp chất phải được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tổ ngăn chặn tạp chất của Bộ NN&PTNT cần kiểm tra đột xuất tại nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở thu mua tôm ở các tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát tại những nơi thương lái thu mua tôm tạp chất về bán lại cho các nhà máy. Đặc biệt, cần phải có sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN & PTNT thì vấn đề này mới xử lý triệt để được.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều năm nghiên cứu, tiếp thu khoa học công nghệ mới, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa (trên địa bàn xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) đã chủ động ứng dụng công nghệ dùng men vi sinh sản xuất tôm giống sạch; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất đa dạng đối tượng giống thủy sản phục vụ nhu cầu thả nuôi luân canh, xen canh với tôm sú.

Theo lịch thời vụ, các hồ đã tiến hành thả tôm giống đợt 1 năm 2013 được gần 20 ngày. Nhưng nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh hiện vẫn án binh bất động. Nhiều diện tích hồ nuôi tôm trên cát bỏ hoang phế vì liên tục thất bại.

Khi người dân nhiều vùng nuôi tôm kêu trời không thấu vì dịch bệnh tôm chết liên miên, giá cả lên xuống thất thường, thì những con người thầm lặng thuở nào bám giữ ruộng đồng và nặng tình với con cá có thể ung dung "kê cao gối ngủ". Bởi con cá đồng sau một thời gian chìm nổi đã bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công khó nhọc của người nông dân.

Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho hội viên nông dân và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương.

Thiếu vốn để sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ bất ổn cũng như công tác thông tin, dự báo thị trường còn hạn chế là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản nói chung và sản xuất, tiêu thụ cá tra nói riêng của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.