Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cuộc Chiến Cam – Bưởi Nghịch Lý Trồng – Chặt

Cuộc Chiến Cam – Bưởi Nghịch Lý Trồng – Chặt
Ngày đăng: 30/05/2013

Bất chấp những khuyến cáo, cảnh báo của ngành chức năng, không ít nhà vườn ở các địa phương vùng ven huyện Châu Thành (Hậu Giang) và một số xã của thị xã Ngã Bảy đổ xô cải tạo vườn tạp, thậm chí đốn bưởi Năm Roi, chuyển đất trồng lúa để trồng cam sành. Trong khi, cây bưởi Năm Roi, lúa đang được khuyến khích duy trì và phục hồi diện tích nhưng ngày càng bị thu hẹp dần.

Những năm gần đây, cam sành trở thành hiện tượng của quá trình chuyển đổi cây trồng ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Lý do đơn giản là vì cam sành mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số loại trái cây khác.

Tưởng chừng như vậy thì cây cam sành sẽ được khuyến khích nhân rộng mô hình. Trái lại, ngành chức năng khuyến cáo là không nên tiếp tục chạy theo cam sành vì lo sợ nguy cơ “thừa hàng, dội chợ”. Bởi trên thực tế, sản phẩm cam sành chỉ được tiêu thụ nội địa, chưa thể xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Thế nhưng, diện tích cam sành của tỉnh cứ tăng vọt qua từng năm.

Diện tích cam sành phình to

Đông Bình là một trong số các ấp thuộc vùng sâu, vùng xa của xã Đông Phước, huyện Châu Thành. Địa bàn tuy nằm khá tách biệt với trung tâm xã, nhưng từ lâu nơi đây được mệnh danh là “làng tỉ phú cam sành” của huyện. Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đông Bình, cũng là người đã từng gắn bó hàng chục năm với cây cam sành thì hầu như nhà nhà đã trồng và đang “phất lên” từ cây cam sành. Ông Hiệp khẳng định: “Mức thu nhập 600-700 triệu đồng là bình thường, thậm chí 1 tỉ đồng/ha mỗi năm đối với bà con xứ này hiện nay không còn là chuyện hiếm”.

Như để chứng minh cho nhận định của mình, ông Hiệp từ tốn liệt kê cụ thể tổng số 154 hộ của chi hội trong năm 2012 vừa qua thì chỉ có 6 hộ nghèo mà nguyên nhân chủ yếu là không đất canh tác. Số còn lại đều khá giả, thuộc diện sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Trung ương, với mức thu nhập trung bình vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng trở lên.

Còn theo ông Hai Thông (Đặng Văn Thông), hội viên Chi hội Nông dân ấp Đông Bình thì tất cả bà con có được nhà “kín cổng, cao tường” như hôm nay chính là nhờ trồng cam sành. Hiện ông Thông có trong tay 10 công cam sành đã cho trái và đang có giá khoảng 18.000-19.000 đồng/kg. Ông Thông ước tính: “Nếu giá cam sành vẫn ổn định ở mức này thì năm nay khả năng gia đình ông sẽ thu nhập bạc tỉ. Ngoài 7 công cam được trồng trước đó thì 3 công cam tơ bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên nên sản lượng chắc chắn tăng lên đáng kể”.

Không chỉ có người dân xã Tân Thành, có chung dòng chảy với tuyến kênh Bảy Thưa là ấp Đông Bình, xã Đông Phước mà người dân ở xã Đại Thành thuộc thị xã Ngã Bảy cũng đang ồ ạt chuyển đổi sang cam sành, với mong muốn “hốt” bạc tỉ sau vài năm chăm sóc. Vì thế, diện tích cam sành Ngã Bảy gia tăng qua từng năm. Năm 2011, diện tích cam sành của thị xã là 2.046ha, tăng 847ha so với năm 2010 và đến nay vườn cam sành gia tăng lên con số 2.378ha. Còn diện tích cho trái trên 1.500ha, ước năng suất 18 tấn/ha thì sản lượng lên đến 27.155 tấn cam thương phẩm.

Vườn bưởi Năm Roi teo tóp

Ngay cả ở vùng đất Phú Hữu, Phú Tân - “thủ phủ” của cây bưởi Năm Roi danh tiếng ngày nào cũng đã bị “lép vế” trước sức ép cây cam sành. Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Lâm Văn Út thừa nhận, về lâu về dài không biết sao chứ hiện tại cây cam sành là cây xóa đói giảm nghèo của xã. Thực tế là có không ít gia đình thoát nghèo, thậm chí trở thành tỉ phú. Do đó, diện tích cam sành của xã đã tăng lên 747ha, còn vườn bưởi Năm Roi khoảng 423ha, giảm hàng chục héc-ta trong vòng 3 năm qua. Biết rằng người dân tự phát trồng cam sành nhưng địa phương chưa có bất cứ biện pháp nào để chế tài hoặc ngăn cản hữu hiệu.

Vào khoảng tháng 8 năm rồi, ông Nguyễn Văn Minh, nhà vườn có trên 30 năm kinh nghiệm trồng bưởi Năm Roi ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu vẫn quyết tâm đốn hạ 4 công bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để trồng cam sành. Ông Minh cho rằng: “Đất sản xuất ít, lại thêm vườn bưởi đã già cỗi rất khó cải tạo. Chưa kể là sâu đục trái tấn công dữ dội, khiến cho chi phí sản xuất tăng cao thì khó kiếm lợi nhuận nuôi sống gia đình. Cho dù cải tạo lại thành công thì mỗi năm cho thu nhập cao lắm 40-50 triệu đồng là cùng. Nhưng trồng cam sành, nhanh cho trái nên vài năm sau là có thể kiếm được vài trăm triệu đồng/năm”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, người dân đang so sánh thu nhập giữa cây bưởi Năm Roi và cam sành. Cho nên, nhiều hộ có xu hướng cải tạo vườn bưởi già cỗi, ít có khả năng phục hồi để trồng cam sành. Đặc biệt là bưởi liên tục rớt giá trong thời gian qua (ngoại trừ thời điểm từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bưởi Năm Roi bất thường giữ mức giá trên 20.000 đồng/kg, đôi lúc gần 30.000 đồng/kg).

Chính điều này gây nhiều khó khăn, cản trở quá trình quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản tập trung của các địa phương, kể cả vùng chuyên canh bưởi Năm Roi. Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho hay, huyện xác định cây bưởi Năm Roi là cây trồng chủ lực của huyện, bởi loại cây trồng này có lợi thế cạnh tranh cao trong nước và xuất khẩu.

Vậy mà diện tích bưởi Năm Roi của huyện hiện còn khoảng 1.650ha, giảm hàng trăm héc-ta so với thời điểm 5 năm trước. Thế nhưng, ngành không thể ngăn cấm chặt phá mà chỉ có thể tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ gìn vườn bưởi Năm Roi. Đồng thời, động viên người dân không nên tiếp tục chạy theo cam sành vì nguy cơ bùng phát dịch bệnh, “thừa hàng, dội chợ” là rất lớn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Hậu Giang có diện tích cây ăn trái 26.109ha, sản lượng 180.210 tấn/năm. Riêng cây cam sành có diện tích 7.827ha, được trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy, với sản lượng thu hoạch năm 2012 đạt 53.562 tấn.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình “Nuôi Cá Thả Ghép” Hiệu Quả Từ Mô Hình “Nuôi Cá Thả Ghép”

“Mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính và cá chép V1 đã đem laị hiệu quả kinh tế cao cho xã Mường Cang và xã Mường Than. Đó chính là cơ sở để huyện Than Uyên (Lai Châu) phát huy lợi thế mặt nước, đồng thời đưa ngành chăn nuôi thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp ở huyện” – Đó là nhận định của ông Mai Tiến Lực -Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện về mô “Nuôi cá thả ghép”.

28/11/2013
Chuyển Giao Công Nghệ Nuôi Chim Yến Cho Các Tỉnh, Thành Phố Với Trên 300 Nhà Yến Chuyển Giao Công Nghệ Nuôi Chim Yến Cho Các Tỉnh, Thành Phố Với Trên 300 Nhà Yến

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn năm 2013, đề tài “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn yến trong nhà ở Khánh Hòa” đã được Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai ứng dụng vào thực tiễn cho kết quả rất tốt.

28/11/2013
Cứu Gia Súc Trong Lũ Dữ Cứu Gia Súc Trong Lũ Dữ

Thống kê sơ bộ, trong trận lũ lụt kinh hoàng từ đêm 15.11.2013 ở Quảng Ngãi, trận lũ mà đỉnh lũ trên sông Trà Khúc và sông Vệ đều vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới 40cm, toàn tỉnh đã có hơn 280.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Gia súc thì chủ yếu là bò và heo. Gia cầm thì chủ yếu là gà và vịt.

28/11/2013
Về Nơi Vùng Lúa Chất Lượng Cao Về Nơi Vùng Lúa Chất Lượng Cao

Có thể nói Thiện Mỹ là địa bàn tập trung sản xuất lúa chất lượng cao nhiều nhất huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Một thời giống lúa Jasmine 85 (lúa thơm) khởi phát từ đây có tiếng xa gần. Rồi thăng trầm, Jasmine có giai đoạn giảm dần diện tích đến mức thấp nhất. Lúc đó, giống lúa OM4900, OM5451, OM4218,... thay màu xanh đất lúa.

28/11/2013
Hội Thảo Mô Hình Sản Xuất Lúa Chất Lượng Cao Trên Nền Ao Tôm Nước Lợ Hội Thảo Mô Hình Sản Xuất Lúa Chất Lượng Cao Trên Nền Ao Tôm Nước Lợ

Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao trên nền ao tôm nước lợ được áp dụng thí điểm diện tích là 6 ha của 15 hộ tại ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp được Trung tâm Khuyến nông Sóc trăng hỗ trợ về giống, trạm khuyến nông thị xã hỗ trợ về kỷ thuật; đến nay lúa đã 50 ngày tuổi, phát triển tốt và đang nở bụi đẻ nhánh.

28/11/2013