Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cùng Nhà Nông Cơ Giới Hoá Đồng Ruộng

Cùng Nhà Nông Cơ Giới Hoá Đồng Ruộng
Ngày đăng: 06/06/2013

Nhờ được vay vốn không phải trả lãi, nhiều hộ ND ở Hải Dương đã có điều kiện mua máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp, ô tô tải nhẹ...

Theo lời giới thiệu của chị Vũ Thị Hải Hậu - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Phùng Tứ, ở thôn Bình Đê, xã Gia Khánh, một trong những hộ vay vốn mua máy theo Dự án Hỗ trợ ND đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp (viết tắt là Dự án).

Vụ đầu tiên lãi 100 triệu đồng

Anh Tứ cho biết: “Tham gia Dự án giai đoạn 2012 - 2015, tháng 10.2012, tôi mua máy cày Kubota 35 mã lực, trị giá 350 triệu đồng, trong đó được vay 258 triệu đồng với lãi suất 0% trong 3 năm. Vụ làm đất vừa qua, tôi cày thuê trên 100 mẫu, trừ chi phí, tôi vẫn còn gần 100 triệu đồng. Nếu làm ăn thuận lợi, chắc 2 - 3 vụ nữa tôi sẽ trả hết số tiền vay mua máy". Trước đó, anh Tứ tham gia Dự án giai đoạn 2008- 2010 và mua 1 chiếc máy cày 16 mã lực, giá hơn 30 triệu đồng, trong đó 21 triệu đồng anh được vay với lãi suất 0%. Có máy, anh đi cày thuê, mỗi năm lãi 30 - 35 triệu đồng.

Anh Bùi Văn Huấn ở thôn Kinh Trang, xã Thái Dương (Bình Giang) là một trong những hộ tham gia Dự án đạt hiệu quả cao. Tháng 6.2012, anh mua 1 máy làm đất 45 mã lực trị giá 325 triệu đồng và 1 máy gặt đập liên hợp trị giá 285 triệu đồng, trong đó anh được vay 455 triệu đồng. Từ khi mua máy đến nay, anh thu trên 100 triệu đồng từ máy gặt, hơn 80 triệu đồng từ máy làm đất. Anh đang đề nghị xã vận động các hộ dồn ô, đổi thửa cho nhau để việc làm đất, gặt lúa thuận tiện hơn, giảm chi phí.

Thúc đẩy hình thành những cánh đồng lớn

Bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Trước thực trạng ND thiếu vốn để cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch... Hội ND tỉnh đã xây dựng Dự án "Hỗ trợ ND đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp" trình UBND tỉnh và được tỉnh ủng hộ. Dự án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2008 - 2010 và 2012 - 2015.

Sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt, Hội ND tỉnh đã nhanh chóng triển khai, giao cho Hội ND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng tới các hộ ND. Đồng thời, Tỉnh hội giao chỉ tiêu từng loại máy cho từng huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo Hội ND cơ sở tổ chức cho các hộ đăng ký số lượng, chủng loại máy và tổ chức cho các hộ đăng ký mua máy đi tham quan một số doanh nghiệp, cửa hàng có uy tín về sản xuất và bán máy nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để hội viên lựa chọn.

Tỉnh hội phối hợp với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN tập huấn việc sử dụng và bảo dưỡng máy cho các hộ tham gia Dự án; phối hợp với Ngân hàng NNPTNT thẩm định, hướng dẫn các thủ tục vay vốn cho các hộ có nhu cầu. Đến nay, đã có trên 1.400 hộ mua gần 1.500 máy các loại, với lãi suất được hỗ trợ gần 10 tỷ đồng.

Theo bà Bình, thực hiện dự án đã giải phóng sức lao động, tăng năng suất, kịp thời vụ, và làm tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Thực tế, 1ha đất sản xuất lúa nếu cơ giới hoá từ khâu làm đất, gieo mạ đến thu hoạch, thu nhập tăng từ 6 - 6,5 triệu đồng. Đây còn là động lực thúc đẩy việc dồn điền, đổi thửa tạo tiền đề để hình thành những cánh đồng mẫu lớn...


Có thể bạn quan tâm

Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi

Vụ mía năm nay Công ty đường Quảng Ngãi thực hiện mua theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Sự minh bạch này đã xóa những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường của đơn vị thu mua. Tuy nhiên, gần 1/2 diện tích mía lại không được thực hiện theo phương thức này, gây ra tình trạng chậm trễ khiến mía già, trổ bông, sản lượng sụt giảm.

22/01/2013
Xoài Cát Hòa Lộc Trúng Giá Ở Tiền Giang Xoài Cát Hòa Lộc Trúng Giá Ở Tiền Giang

Xoài cát Hòa Lộc được thương lái mua tại vườn với giá cao, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, giúp nhà vườn chuyên canh trái xoài đặc sản này ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đạt lợi nhuận cao.

23/01/2013
Giống Cá Nước Lạnh & Đầu Ra Sản Phẩm Giống Cá Nước Lạnh & Đầu Ra Sản Phẩm

Bộ NN-PTNT đã chọn Lâm Đồng để triển khai đề tài “Phát triển giống cá nước lạnh tại VN” do Viện Nghiên cứu Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đảm trách.

03/08/2013
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Cam Sành Xen Ổi: Hạn Chế Được Sự Lây Nhiễm Của Bệnh Vàng Lá Gân Xanh Trên Cây Cam Sành Ở Trà Vinh Hiệu Quả Mô Hình Trồng Cam Sành Xen Ổi: Hạn Chế Được Sự Lây Nhiễm Của Bệnh Vàng Lá Gân Xanh Trên Cây Cam Sành Ở Trà Vinh

Năm 2010, mô hình trồng cam sành xen ổi do dự án Jica (Tổ chức phi chính phủ Nhật Bản) hỗ trợ; từ 02 mô hình vườn mẫu ban đầu, với diện tích 1,4 ha, đầu tư cho 02 hộ ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Đến nay, đã phát triển nhân rộng được gần 15 ha, có 30 hộ tham gia trên địa bàn các xã Phong Phú, Tam Ngãi, Thông Hòa, An Phú Tân (huyện Cầu Kè).

24/01/2013
Khó Khăn Trong Việc Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Khó Khăn Trong Việc Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học

Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học triển khai ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) từ năm 2009 đến nay, qua áp dụng cho thấy mô hình thật sự mang lại hiệu quả, giải quyết khoảng 90% ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, công lao động đầu tư trong chăn nuôi. Mô hình thích hợp cho những hộ chăn nuôi gia đình gần khu dân cư.

03/08/2013