Cùng Giúp Nhau Thoát Nghèo

Đối với người dân, việc giúp nhau thoát nghèo, gây dựng cuộc sống ấm no là một việc làm ý nghĩa. Thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) là thôn đi đầu trong chương trình “cùng giúp nhau thoát nghèo”. Nhờ tinh thần tương trợ đó, số lượng người nghèo của thôn, xã giảm xuống rõ rệt. Đây là những tín hiệu đáng mừng.
Ở Nghĩa Hiệp đời sống của hầu hết các hộ dân các thôn, xóm đã đổi khác hơn nhiều so với trước. Những ngôi nhà khang trang mọc lên. Những con đường được trải nhựa sạch sẽ... Có được những thay đổi tích cực như vậy cũng là nhờ người dân trong thôn đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau để cùng thoát nghèo một cách bền vững.
Thôn Đông Mỹ là một thôn tiêu biểu của phong trào này. Theo thống kê, năm 2013 toàn thôn Đông Mỹ có 78 hộ nghèo. Cuộc sống của người dân bấp bênh. Trước thực trạng đó, Chi bộ, lãnh đạo thôn Đông Mỹ cùng bà con trong thôn đã bình xét, chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất để có chính sách hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại, thôn Đông Mỹ đã giảm 46/78 hộ nghèo.
Tuy đó không phải là kết quả cao nhưng cũng là một sự thay đổi đáng khích lệ cho bà con thôn Đông Mỹ nói riêng và cho xã Nghĩa Hiệp nói chung.
Chị Hồ Thị Yến, là một hộ nghèo. Vài năm trước, chồng chị chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, để lại cho chị con thơ. Cuộc sống của gia đình chị rơi vào cảnh túng thiếu. Sau khi được thôn, xóm quan tâm và hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng nuôi bò. Đến nay, cuộc sống của gia đình chị đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Còn gia đình anh Nguyễn Thanh Ly là một hộ nghèo, vì hoàn cảnh đông con. Cuộc sống khó khăn kéo theo cái ăn cái mặc hằng ngày cho các con còn nhiều thiếu thốn. Vợ chồng anh làm việc quần quật nhưng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.
Thấy vậy, Chi bộ cũng như ban lãnh đạo thôn đã đưa gia đình anh vào diện những hộ cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Thông qua nguồn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện nay vợ chồng anh đã có một con bò nghé để làm vốn và đang sửa sang lại căn nhà cũ kỹ trước đây.
Khác với hoàn cảnh của chị Yến và anh Ly, gia đình ông Nguyễn Xí có phần éo le hơn. Ông bị tai biến và nằm một chỗ nhiều năm nay. Tất cả mọi việc trong nhà đều do vợ ông là bà Nguyễn Thị Vân lo toan. Kinh tế đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi phải lo thuốc thang cho ông và lo sinh hoạt hằng ngày của gia đình.
Lãnh đạo thôn đã xét duyệt và đề xuất cho vợ chồng ông vay 30 triệu đồng để mua bò. Anh Nguyễn Thành Nhơn, con trai ông Xí chia sẻ: “Từ lúc cha tôi bị bệnh, kinh tế gia đình khó khăn hơn trước. Trong nhà có vật dụng gì đáng giá cũng bán đi để chữa trị, lo thuốc men cho ông.
Dạo này sức khỏe của cha tôi có phần yếu hơn trước nên tôi phải bỏ việc ở Sóc Trăng để về chăm lo cho cha mẹ già. Nay được thôn quan tâm và xét gia đình cha tôi được nhận tiền để mua bò, tôi rất cảm ơn. Nhờ đó mà gia đình tôi có nguồn vốn để vực dậy kinh tế...”.
Ông Trần Văn Dậu - Trưởng thôn Đông Mỹ cho biết: “Những năm trước, Đông Mỹ là một trong những thôn có số hộ nghèo cao nhất xã. Trước tình hình đó, chúng tôi bình xét và chọn những hộ có hoàn cảnh thật sự nghèo, tiến hành các thủ tục giúp cho họ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi. Dự kiến trong 2 năm (2014 – 2016) các hộ nghèo trong thôn sẽ thoát nghèo một cách bền vững”.
“Chương trình “Cùng giúp nhau thoát nghèo” của thôn Đông Mỹ là một chương trình hay và ý nghĩa. Sau khi được thôn kiến nghị với xã, chúng tôi đã đề nghị với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tư Nghĩa hỗ trợ cho bà con vay vốn với lãi suất 0,65%/tháng.
Đến nay, các hộ nghèo của thôn đã giảm dần. Đó cũng là một trong những điều kiện để Nghĩa Hiệp phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong chương trình nông thôn mới được thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Vương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiệp cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Để bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện Chợ Đồn đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra...

Sản xuất nông nghiệp vụ xuân thường phải đối phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng dòng chảy trên các triền sông, suối thuộc địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm với lượng thiếu hụt khoảng 10-20%.

Sáng 11/12, Sở Công thương Bắc Kạn phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng "Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình" cho 151 học viên là các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Na Rì là huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn của tỉnh với khoảng 455ha. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dong riềng. Mặc dù so với năm 2013, diện tích trồng dong của huyện có giảm nhưng lại là vụ thắng lợi đối với người trồng dong bởi củ dong vừa được mùa lại vừa được giá.

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.