Cua biển Cà Mau rớt giá một nửa

3 tháng trước, cua gạch có giá 280.000 – 300.000 đồng một kg nhưng nay còn 180.000 đồng; cua loại một hiện tại có giá 120.000 đồng một kg, giảm một nửa so với trước đây…
"Với giá này, nông dân chắc chắn thua lỗ vì chi phí thức ăn, con giống quá cao”, ông Nguyễn Văn Quân, ngụ huyện Cái Nước cho biết.
Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước… Bình quân mỗi năm lượng cua biển xuất khẩu (kể cả chính ngạch và tiểu ngạch) của tỉnh lên đến đến vài trăm nghìn tấn, gồm nhiều loại, trong đó thị trường chính là Trung Quốc.
Ông Trương Quốc Duẫn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương này có trên 25.000 ha nuôi trồng thủy sản (tôm và cua biển kết hợp), hàng năm cung ứng ra thị trường trên dưới 3.000 tấn cua thương phẩm. Hiện trên địa bàn có 20 doanh nghiệp chuyên thu mua cua biển xuất sang Trung Quốc với quy mô lớn. Với giá cua xuống thấp như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp này đều điêu đứng.
Theo ông Duẫn, bước vào tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm, giá cua biển cũng xuống thấp (do thời điểm gần Trung Thu, người Trung Quốc ít ăn cua biển), nhưng cũng không thấp như hiện tại.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Ngọc Hùng – chủ cơ sở thu mua cua biển lớn ở thị trấn Năm Căn cho biết: “Nếu trước đây, mỗi ngày tôi xuất sang Trung Quốc một tấn cua biển các loại, thì nay chỉ còn khoảng vài trăm kg”.
Theo ông Hùng, giá cua biển giảm đang tác động kép đến người nông dân và doanh nghiệp thu mua, mà nhiều nhất là hộ nuôi cua. “Doanh nghiệp có thể chủ động dừng mua khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng nông dân thì không thể dừng thu hoạch khi cua đã tới đợt khai thác”, ông Hùng nói.
Phân tích rộng hơn, ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá xuống thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các mặt hàng thủy sản xuất vào thị trường này rớt giá, trong đó có cua biển Cà Mau.
“Ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao mọi biến động của các mặt hàng thủy sản trên địa bàn để có hướng xử lý và khuyến cáo người dân khi cần thiết”, ông Bằng nói.
Có thể bạn quan tâm

Đến đầu tháng 8/2014, bà con nông dân huyện Di Linh đã hoàn tất việc gieo cấy lúa ruộng vụ hè thu. Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện, trong vụ hè thu năm nay, toàn huyện đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy được trên 2.000ha lúa ruộng.

Vụ nuôi trồng thủy sản năm nay, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đưa vào thả nuôi 635 ha thủy sản nước lợ. Đến ngày 31/8, toàn huyện đã thu hoạch 100% diện tích thả nuôi.

Ngày 21/8, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình tại xã An Hải, huyện Tuy An. Đây là mô hình thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Phú Yên.

Từ nguồn vốn khoa học công nghệ huyện năm 2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề tài “Thử nghiệm nuôi cá chạch bùn thương phẩm” tại 2 hộ dân ở tổ dân phố 2 và tổ dân phố 10, thị trấn Mađaguôi.

Giai đoạn 2012 - 2014, cùng với sự tự vươn lên của hội viên, Hội Nông dân huyện Quế Sơn đã phối hợp tổ chức 172 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 15.280 lượt hội viên; phối hợp mở 24 lớp dạy nghề nông nghiệp, thú y, sản xuất phân hữu cơ vi sinh.