Công Điện Của Thủ Tướng Chỉ Đạo Đối Phó Với Bão HaiYan

Hôm nay (9/11/2013), Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1850/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với siêu bão số 14 (HaiYan).
Công điện nêu rõ: Siêu bão số 14 đã vào Biển Đông đang di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Bắc, có khả năng đổi hướng di chuyển dọc theo các tỉnh Trung Bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ.
Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến rất phức tạp. Để chủ động đối phó với siêu bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh từ Bình Thuận đến Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú ẩn an toàn.
Chủ động thực hiện cấm biển và kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các tàu du lịch, vận tải; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi; có phương án cụ thể để sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn; chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ đê điều, đập thủy lợi, thủy điện; thực hiện xả nước đón lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạ du; kiểm tra thực hiện tốt phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du khi xả lũ.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai và rà soát ngay các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ sau bão; triển khai phương án chủ động tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để bảo đảm sản xuất vụ Đông.
Bên cạnh đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế chủ động thực hiện theo nội dung tại Công điện số 1861/CĐ-TTg ngày 7/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 408/TB-VPCP ngày 9/11/2013.
Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi cần thiết.
Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương cần tăng thời lượng phát sóng thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức thường trực, theo dõi, tổng hợp diễn biến bão, mưa, lũ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão, mưa, lũ.
Có thể bạn quan tâm

Trước sức ép về đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp đã làm diện tích đất lúa ngày càng bị thu hẹp. Vậy làm gì để giữ ổn định đất trồng lúa? Phóng viên báo Nông Nghiệp Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương về vấn đề này.

Cuộc họp lần thứ 7 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã vạch ra năm giải pháp chủ yếu được thực hiện trong khoảng thời gian 2012-12 để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu gạo như nâng cao chất lượng gạo, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, kết nối sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo quản lý

Trong vòng 2 tuần, ông Nguyễn Văn Luyến, ngư dân phường Trần Phú, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) liên tục bắt được 6 con cá mập, mỗi con nặng trên 20 kg, thuộc vùng biển Quy Nhơn

Hiện giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tại ĐBSCL tăng 100 - 200 đồng/kg so với tháng trước.

Đây là chương trình cung cấp cá giống thuộc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản trong Đề án xây dựng nông thôn mới năm 2011 của tỉnh, do Trung tâm Thủy sản Long An - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức. Theo dự án, mỗi hộ được hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng, bao gồm 100% con giống, còn lại là vật tư và thức ăn.