Tập Trung Phát Triển Nguồn Lợi Thủy Sản

Hơn 9 tháng năm 2013, tổng sản lượng thủy sản khai thác của toàn tỉnh Tuyên Quang đạt trên 4.760 tấn, đạt 85% kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây thực sự là tín hiệu mừng cho ngành kinh tế vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng của tỉnh ta.
Cùng việc tận dụng diện tích mặt nước trên khu vực lòng hồ thủy điện, nhiều diện tích ao, hồ, sông, suối, ruộng cũng được các cơ quan chuyên môn phối hợp với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để tìm ra hướng đi và định hướng hợp lý cho người nông dân phát triển. Đến nay diện tích ao hồ nhỏ chuyên nuôi thủy sản là 1.948 ha, hồ thủy lợi tận dụng để nuôi thủy sản là 30 ha, hồ thủy điện Tuyên Quang là 8.000 ha, nuôi cá ruộng là 30 ha.
Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, song song với việc mở rộng phát triển diện tích mặt nước nuôi, Chi cục chú trọng đến công tác sản xuất cá giống. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện sản xuất được 143 triệu con cá bột, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái; 23,64 triệu con cá giống, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi ương thủy sản, trong năm 2013 Chi cục đã thực hiện Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cá Lăng chấm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo. Kết quả đã cho sinh sản thành công 1 đợt với số trứng thu được là 15.250 trứng, thu được trên 6.200 con cá bột. Thực hiện nuôi từ cá bột lên cá hương và từ cá hương lên cá giống trong lồng kính đã thu được trên 5.600 con cá giống cỡ 5 cm/con, tỷ lệ sống đạt gần 90%. Đến cuối tháng 8 Chi cục đã thực hiện chuyển giao được 1.200 con cá giống cho Trung tâm Thủy sản quản lý, chăm sóc, hiện cá đều sinh trưởng phát triển tốt, với kích cỡ trung bình đạt hơn 10 cm/con.
Phát triển tiềm năng thủy sản trên khu vực hồ thủy lợi, trong năm 2013 tỉnh ta cũng đã triển khai thực hiện Dự án ứng dụng các phương thức nuôi cá có hiệu quả trên hồ thủy lợi hồ Đình và hồ thủy lợi Ngòi Là. Trong đó sẽ dự kiến thả 5,9 tấn cá giống xuống hồ thủy lợi hồ Đình. Với hồ Ngòi Là đã thực hiện khảo sát vị trí đặt lồng, thiết kế 30 lồng cá và tổ chức thả 2 đợt cá giống với số lượng 30 vạn con cá rô phi đơn tính cỡ 10 đến 30 cm/con. Đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu mở rộng diện tích nuôi cá trên hệ thống hồ thủy lợi và eo ngách tại các địa phương.
Thực hiện Dự án hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đến nay các mô hình như mô hình nuôi thử nghiệm 2.000 con cá Lăng chấm thương phẩm tại xã Nhữ Khê và tại trại cá Hoàng Khai; mô hình nuôi 20.000 con cá rô đồng đầu vuông thương phẩm trong ao với quy mô 1,6 ha tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn); mô hình ương nuôi cá giống tại xã Lăng Can (Lâm Bình) và xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa)… đều có những tín hiệu quả quan, toàn bộ đàn cá tại các địa phương đều sinh trưởng phát triển tốt.
Thôn Đát Trà là một trong những thôn tiêu biểu của xã Phú Thịnh (Yên Sơn) trong phát triển và nuôi trồng thủy sản. Toàn thôn có 89 hộ dân thì có trên 50% hộ phát triển kinh tế thủy sản. Từ thủy sản nhiều hộ có thu nhập trên 20 triệu/năm, như hộ gia đình ông Phạm Văn Cúc, Nguyễn Văn Chủng, Ngô Văn Quân... Chị Nguyễn Thị Hà, một hộ dân trong thôn cho biết, gia đình chị hiện có 1.300 m2 diện tích mặt nước nuôi cá thịt, mỗi năm cho thu lãi gần 20 triệu đồng. Năm nay, gia đình chị càng có thêm động lực phát triển kinh tế thủy sản khi được tham gia mô hình nuôi cá rô đồng đầu vuông từ Dự án TNSP. Tham gia mô hình này, gia đình chị được hỗ trợ cá giống và thức ăn cho cá; đây là loại cá có ưu điểm vượt trội hơn so với loại cá khác vì có tốc độ lớn nhanh, kích cỡ lớn hơn rất nhiều so với cá rô đồng thông thường. Trong thời gian tới, gia đình chị sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này và tuyên truyền cho bà con nhân rộng mô hình để hình thành vùng sản xuất tập trung thuận lợi cho việc tiêu thụ và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Trái với mọi năm, sau đợt dịch bệnh, tôm thẻ chân trắng thường hút hàng với giá khá cao vì nguồn nguyên liệu khan hiếm trong thời gian dài. Tuy nhiên, năm nay tôm thẻ chân trắng đang rớt giá thê thảm dù các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều than thiếu nguyên liệu và hầu hết tôm thẻ chân trắng ở miền Trung lẫn miền Tây vẫn đang nằm trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

UBND huyện Tuy An và Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên đã tiến hành quy hoạch 40ha trên đầm Ô Loan để thực hiện mô hình thả nuôi sò huyết.

Việc thí điểm phát triển chăn nuôi (PTCN) bò sữa theo vùng (từ năm 2008 đến 2010) tại Hà Nội thành công đã khẳng định với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Hà Nội thì PTCN theo vùng, quy mô lớn ngoài khu dân cư là hướng đi tốt. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tham mưu đề xuất Chương trình PTCN theo vùng, xã trọng điểm và PTCN quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 - 2015 và đã được UBND thành phố phê duyệt.

Cho ngan ăn sau một ngày bỗng thấy hàng trăm con ngan trong trại lăn đùng ra chết. Xung quanh vấn đề này ông Lỗ Cao Chí, chủ trang trại ngan nghi vấn có thể do loại thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín

Trước thực trạng ngày càng nhiều người nuôi tôm ở Ấn Độ chuyển sang nuôi tôm chân trắng, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo người nuôi thận trọng trong từng khâu sản xuất mới có thể duy trì sản lượng cao.