Công Bố Bị Đơn Bắt Buộc Cho POR9 Trong Vụ Kiện Tôm Tại Mỹ

Tối ngày 03/10/2014 theo giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố tên các DN bị đơn bắt buộc cho kỳ xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) trong vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) tôm vào thị trường Mỹ.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 công ty là bị đơn bắt buộc lần này gồm có: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) và Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước.
Không như những kỳ xem xét hành chính trước đó, trong kỳ POR9 lần này DOC đã tiến hành cách thức lựa chọn bị đơn bắt buộc theo phương pháp mới. Theo đó, trong tổng số 35 DN tôm Việt Nam hiện đang XK vào thị trường Mỹ, DOC đã tiến hành phân loại thành 3 nhóm gồm: nhóm I có 02 công ty chiếm 40% giá trị XK, nhóm II có 05 công ty chiếm hơn 20% giá trị XK và nhóm III là các công ty còn lại. Sau đó, máy tính sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên từ mỗi nhóm ra 01 DN để làm bị đơn bắt buộc.
Ngoài ra, hiện có 4 công ty đã tiến hành gửi đơn xin làm bị đơn tự nguyện gồm có: Công ty TNHH KDCB TS & XNK Quốc Việt, Công ty CP Nha Trang Seafoods, Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) và Minh Phú. Theo luật sư đại diện cho các DN Việt Nam trong vụ kiện, có khả năng Quốc Việt sẽ được lựa chọn vì là công ty đã nộp đơn đăng ký sớm nhất.
Trong kỳ POR9 lần này, DOC cũng đã thông báo sẽ không cho phép bổ sung hồ sơ và số liệu sau khi đã công bố kết quả điều tra sơ bộ. Do đó, mọi tính toán và số liệu từ các bị đơn phải được cung cấp đầy đủ và chính xác ngay từ đầu.
Mặt khác, hiện DOC cũng đã công bố danh sách các quốc gia sẽ được xem xét trong việc lựa chọn làm quốc gia để tính toán các giá trị thay thế cho kỳ POR9, đó là: Phillipin, Nicaragua, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan và Bangladesh. Theo các chuyên gia đánh giá, Ấn Độ có khả năng cao nhất sẽ được lựa chọn.
Liên quan đến kết quả của kỳ POR8 vừa qua, phía luật sư cũng cho biết đầu tuần sau (06/10/2014) sẽ tiến hành nộp đơn kháng kiện của các DN tôm Việt Nam lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT).
Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu điều hiện đang rất khả quan, đến nay đã xuất khẩu được 215.000 tấn nhân điều các loại, kim ngạch 1,56 tỷ USD (tăng 9% về lượng và 22% về kim ngạch so với cùng kỳ).

Thời gian qua, giá cao su xuất khẩu liên tục sụt giảm, diễn biến thất thường, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới 30 triệu đồng/tấn, chưa bằng một phần tư giá năm 2011.

Vừa qua, có thông tin nông dân trồng tiêu đang trữ tiêu quá nhiều chờ giá cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy đến thời điểm này, nông dân trồng tiêu đã bán đi khá nhiều. Lượng tiêu do dân trữ lại không còn nhiều.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản lượng nhãn của Hưng Yên năm nay ước đạt khoảng 35.000 tấn, trị giá khoảng 300-400 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.