Công Bố Bị Đơn Bắt Buộc Cho POR9 Trong Vụ Kiện Tôm Tại Mỹ

Tối ngày 03/10/2014 theo giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố tên các DN bị đơn bắt buộc cho kỳ xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) trong vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) tôm vào thị trường Mỹ.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 công ty là bị đơn bắt buộc lần này gồm có: Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) và Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước.
Không như những kỳ xem xét hành chính trước đó, trong kỳ POR9 lần này DOC đã tiến hành cách thức lựa chọn bị đơn bắt buộc theo phương pháp mới. Theo đó, trong tổng số 35 DN tôm Việt Nam hiện đang XK vào thị trường Mỹ, DOC đã tiến hành phân loại thành 3 nhóm gồm: nhóm I có 02 công ty chiếm 40% giá trị XK, nhóm II có 05 công ty chiếm hơn 20% giá trị XK và nhóm III là các công ty còn lại. Sau đó, máy tính sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên từ mỗi nhóm ra 01 DN để làm bị đơn bắt buộc.
Ngoài ra, hiện có 4 công ty đã tiến hành gửi đơn xin làm bị đơn tự nguyện gồm có: Công ty TNHH KDCB TS & XNK Quốc Việt, Công ty CP Nha Trang Seafoods, Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) và Minh Phú. Theo luật sư đại diện cho các DN Việt Nam trong vụ kiện, có khả năng Quốc Việt sẽ được lựa chọn vì là công ty đã nộp đơn đăng ký sớm nhất.
Trong kỳ POR9 lần này, DOC cũng đã thông báo sẽ không cho phép bổ sung hồ sơ và số liệu sau khi đã công bố kết quả điều tra sơ bộ. Do đó, mọi tính toán và số liệu từ các bị đơn phải được cung cấp đầy đủ và chính xác ngay từ đầu.
Mặt khác, hiện DOC cũng đã công bố danh sách các quốc gia sẽ được xem xét trong việc lựa chọn làm quốc gia để tính toán các giá trị thay thế cho kỳ POR9, đó là: Phillipin, Nicaragua, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan và Bangladesh. Theo các chuyên gia đánh giá, Ấn Độ có khả năng cao nhất sẽ được lựa chọn.
Liên quan đến kết quả của kỳ POR8 vừa qua, phía luật sư cũng cho biết đầu tuần sau (06/10/2014) sẽ tiến hành nộp đơn kháng kiện của các DN tôm Việt Nam lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT).
Có thể bạn quan tâm

Năm 2011, hơn 36.000 tấn thanh long Bình Thuận được xuất khẩu giúp nông dân thu về 20 triệu USD.

Năm 2010, năm phát triển mạnh nhất, diện tích atisô Đà Lạt cũng chỉ dừng lại ở 90ha. Không chỉ là cây thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng mà atisô Đà Lạt còn được Bộ Y tế đưa vào bộ hồ sơ "dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển" của quốc gia. Trong bộ hồ sơ này, atisô là một trong 6 dược liệu được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đầu (cùng với sâm Ngọc Linh, đại hồi, trinh nữ hoàng cung, quế và tràm).

Huyện M’Đrak là vùng trồng mía lớn nhất tỉnh Đăk Lăk. Niên vụ này (2011- 2012), toàn huyện có trên 7.000 ha mía. Hiện giá mía giảm, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, cháy… khiến người trồng mía nơi đây đang đứng trước tình cảnh khó khăn.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), đến giữa tháng 6, dịch bệnh trên tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã gây thiệt hại trên 35.000ha và đang diễn biến rất phức tạp.

Ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm đang đứng trước khó khăn hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với dịch bệnh ngày càng phức tạp, thị trường bị thu hẹp, thiếu vốn để sản xuất...