Có Vườn Ươm Giống Cà Phê Cao Sản Ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) hiện có 27.300ha cà phê. Nhận thấy nhu cầu rất lớn về cây giống phục vụ cho Chương trình tái canh cà phê, ông Bùi Đình Thám (thôn 12, xã Lộc Thành) đã mạnh dạn dành 2.000m2 đất, trong tổng số 4.000m2 đất vườn nhà, để sản xuất cây cà phê giống cao sản, cung ứng cho thị trường.
Năm 2007, vườn ươm giống của ông Bùi Đình Thám là một trong số 33 vườn ươm ở Bảo Lâm được Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm chọn để đề nghị Sở NN - PTNT tỉnh cấp giấy chứng nhận. Giống cà phê được nhân rộng từ nguồn giống mẹ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Ea Kmat) để cung ứng cho nông dân thực hiện tái canh cà phê.
Hạt ươm cây giống, chồi ghép được Ea Kmat nghiên cứu, khảo nghiệm và chọn lọc kỹ trong nhiều năm rồi mới chuyển giao kỹ thuật ghép cho những vườn đầu dòng, vườn cây mẹ. Ông Bùi Đình Thám cho hay: “Nghiên cứu của Ea Kmat chỉ ra rằng, cà phê mít có bộ rễ vượt trội hơn giống cà phê sẻ.
Rễ cà phê mít ăn sâu, nên ngoài khả năng chịu hạn tốt, còn hấp thụ được nhiều phân. Đặc biệt, rễ cà phê mít có khả năng kháng các bệnh về tuyến trùng rất cao. Do vậy, tôi ươm bằng hạt giống cà phê mít; sau đó, ghép chồi bằng giống cà phê TR4 (giống của Ea Kmat)”.
Theo ông Hồ Đình Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, trong số 33 vườn ươm được Trung tâm và Ea Kmat chọn, giờ chỉ mỗi vườn ươm của ông Bùi Đình Thám là đang duy trì và phát triển tốt nguồn giống đầu dòng; còn các vườn ươm khác, làm một thời gian ngắn rồi bỏ cuộc.
“Chất lượng giống ghép ở đây rất cao. Ngoài tiêu chuẩn giống đầu dòng, cây thực sinh, chồi ghép có lá phát triển hoàn chỉnh, bộ rễ trắng và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác, vườn ươm này đều vượt trội” - ông Hồ Đình Quảng khẳng định.
Trên diện tích 2.000m2, với hơn 100.000 cà phê giống, hàng năm vườn ươm của ông Bùi Đình Thám đã cung cấp cây giống chất lượng cao cho các hộ nông dân ở huyện Bảo Lâm. Ngoài ra, ông còn cung ứng giống cà phê TR4 cho nhiều nông hộ khác ở các huyện, thành lân cận như TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh…
Phương châm kinh doanh của ông Bùi Đình Thám cũng rất rõ ràng: “Trước hết, giá thành phải rẻ, giống phải đúng, chất lượng phải đảm bảo”. Bởi ông Thám cho rằng, một khi người nông dân mua giống của mình về trồng mà thấy hiệu quả cao, tự khắc nhiều người sẽ tìm đến.
Bên cạnh đó, ông Bùi Đình Thám còn “khuyến mãi” cho bà con nông dân bằng cách vận chuyển cây giống đến tận trung tâm các xã (khi bà con có nhu cầu).
Bà con nông dân chỉ cần đến xã (nơi mình cư trú) là có thể mua được giống cà phê TR4 đầu dòng. Như vậy, nông dân vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đỡ chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, ông Bùi Đình Thám vẫn còn những trăn trở: “Để tạo được nguồn giống có chất lượng, phải tốn rất nhiều công chăm sóc; đặc biệt, vào mùa khô, việc tưới tắm cho cây giống khá vất vả.
Các khoản chi phí đầu tư ban đầu, gồm phân bón, bao bì, tiền thuê nhân công… cũng khá cao. Điều này sẽ kéo theo giá thành cây giống tăng cao, nếu không tìm được thị trường tiêu thụ, thì thiệt hại về kinh tế là điều khó tránh khỏi”.
Hiện tại, giá mỗi cây cà phê giống ghép được ông Bùi Đình Thám bán ra trên thị trường là 8.000 đồng. Ngoài kinh doanh cà phê giống TR4, vườn ươm của ông Thám còn cung ứng cho thị trường các loại cây giống khác: Sầu riêng Thái, bơ chất lượng cao, mắc ca, hoa, cây cảnh và hạt giống các loại…
Trong bối cảnh hiện nay, việc cải tạo vườn cà phê (bằng cách trồng cây giống thực sinh hoặc cây giống ghép và ghép chồi giống cao sản) là việc làm cần thiết, không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn là hướng phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, một vườn ươm đúng giống, chất lượng đảm bảo là điều rất quan trọng.
Vườn ươm giống của ông Bùi Đình Thám là một trong những vườn ươm được Trung tâm Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm đánh giá cao.
Theo như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm: Trước chuyển đổi, năng suất cà phê bình quân ở Bảo Lâm chỉ được 1,8 tấn nhân/1ha. Sau khi chuyển đổi sang giống mới, năng suất cà phê bình quân (đối với diện tích đã chuyển đổi) đạt 4,7 tấn nhân/1ha; cá biệt, có nơi đạt từ 9 - 10 tấn nhân/1ha.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tình trạng chất lượng tôm giống không đồng đều vẫn còn khá phổ biến, tuy các địa phương đã kiểm soát được hầu hết số lượng tôm giống xuất trại, nhưng vẫn còn một lượng không nhỏ (khoảng 10-20%) chưa kiểm soát được chất lượng do nhiều cơ sở vẫn sử dụng tôm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Cần tách biệt khu nuôi tôm bố mẹ với các khu khác của trại giống để tránh tối đa việc lây nhiễm bệnh cũng như giảm thiểu các yếu tố stress (làm sốc tôm).

Chăm bón cực công, nông dân trồng hoa màu nuôi hy vọng tới kỳ thu hoạch. Nhưng trở ngại lớn nhất là khâu tiêu thụ, giá cả thất thường.

Đến thời điểm này, tại một số vùng tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu, nông dân vẫn chưa thể thả giống như đã dự kiến. Có tình trạng trên là do năm nay nguồn nước được điều tiết về chậm hơn mọi năm.

Ngày 13-3, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lấy ý kiến các địa phương về mức hỗ trợ hộ nông dân chăn nuôi. Chính sách đó gồm hỗ trợ về giống, thuốc thú y, môi trường chuồng trại, đào tạo tập huấn cho nông dân.