Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Có Vốn, Có Thêm Trâu Bò

Có Vốn, Có Thêm Trâu Bò
Ngày đăng: 27/05/2012

Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Hòa Bình đang thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi. Từ nguồn vốn của quỹ, nhiều hộ dân đã gia tăng được đàn trâu, bò.

Dự án này cho 19 hộ vay vốn (hơn 20 triệu đồng/hộ), với lãi suất 0,8%/tháng, thời gian vay 36 tháng.

Có tiền mua thêm trâu, bò

Với 400 triệu đồng mà quỹ đầu tư cho dự án, các hộ nông dân ở Hạ Bì không những có vốn mua thêm trâu, bò mà còn tận dụng được lợi thế của xã giúp phát triển kinh tế.

Anh Bùi Văn Sính - Chi hội Sào, vừa được vay 25 triệu đồng, hồ hởi nói: “Trước đây, nhà tôi chỉ có 1 con trâu, cứ nuôi lớn lại bán đi lấy tiền mua con nhỏ về nuôi. Mỗi lần bán, tiền lãi chẳng được bao nhiêu, chỉ đủ ăn chứ không đầu tư làm thêm được nghề gì. Từ khi được vay tiền Quỹ HTND, tôi mua thêm được 2 con bò giống, khoảng 2 năm sau sẽ sinh được 2 con bê, với giá bán 15 - 17 triệu đồng một đôi bò giống, tôi có thêm tiền để tăng quy mô đàn bò”.

Giá trâu, bò trên thị trường đang rất cao, gia đình anh Quách Đình Hưng lại có đồng cỏ lớn, nên anh rất cần 20 triệu đồng để mua một đôi nghé về gây giống. “Nhà tôi có đồng cỏ lớn, nhưng mấy năm trước vì không có trâu nên tôi cắt cỏ đi bán cho những nhà nuôi trâu. Giờ được vay 20 triệu đồng với lãi suất thấp, tôi sẽ mua trâu về nuôi, không còn phải cắt cỏ nhà mình đi bán cho người khác nữa”.

Còn chị Lê Thị Tuyết chia sẻ: "Tôi được vay 20 triệu đồng, lãi suất 0,8%/tháng, thời gian vay 36 tháng. Tôi sẽ nỗ lực phát huy hiệu quả của đồng vốn này để đáp lại sự tin tưởng của các cấp Hội ND”.

Xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi

Ông Quách Đình Ón - Chủ tịch Hội ND xã Hạ Bì cho biết: “Xã có 40% diện tích đất là đồi, đồng cỏ, phù hợp để chăn nuôi trâu, bò. Mùa này, bà con làm lều tại các đồng cỏ tự nhiên để chăn bò rồi nghỉ ngơi tại đó luôn. Huyện Kim Bôi có điểm tiêu thụ trâu, bò lớn là chợ Bo và Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi, nên bà con không lo phải đi xa để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của mình”.

Ông Ón cho biết thêm: Xã có hơn 100 hộ có truyền thống chăn nuôi trâu, bò, nhưng với quy mô nhỏ, mỗi gia đình chỉ có 1 - 3 con, nhiều khi không đủ để cung cấp cho thị trường. Hiện tại, khó khăn nhất của những người nuôi trâu, bò là vốn. Được Quỹ HTND cho vay vốn với lãi suất thấp, các hộ có điều kiện để phát triển quy mô đàn trâu, bò nhà mình, tăng hiệu quả kinh tế.

Tham gia dự án, mỗi tháng một lần các hộ sẽ được tập huấn kỹ thuật về cách chăm sóc khi bò đẻ, làm chuồng trại thế nào cho thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông... Hộ nuôi trước có nhiều kinh nghiệm hơn hướng dẫn cho các hộ nuôi sau. Không chỉ cho trâu bò ăn cỏ tự nhiên, các hộ còn trồng cỏ voi để dự trữ thức ăn cho trâu, bò, đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng cao.

Ông Quách Đình Chí - 1 trong 19 hộ tham gia Dự án Chăn nuôi bò sinh sản cho hay: "Gia đình tôi có 6 con bò nhưng không sợ chúng bị dịch bệnh, vì cứ hàng tháng các gia đình tham gia dự án sẽ họp để học kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Không những thế, khi bán trâu, bò ra thị trường, tất cả chúng tôi đều thống nhất một giá cả chung nên không lo bị ép giá”.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Kim Bôi khẳng định: "Dự án Chăn nuôi bò sinh sản do Quỹ HTND triển khai đã phát huy được thế mạnh của địa phương chúng tôi, giúp xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của bà con, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Hạ Bì".

Có thể bạn quan tâm

Chọn Nuôi Tôm Thẻ Hay Tôm Sú Chọn Nuôi Tôm Thẻ Hay Tôm Sú

Cảnh báo của các nhà khoa học, doanh nghiệp về mối nguy hại của con tôm thẻ chân trắng (TTCT), cũng như lợi thế của con tôm sú, đã chứng minh vai trò, tầm quan trọng của con tôm sú đối với sự phát triển của nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản. Do vậy, vấn đề đặt ra là Bạc Liêu làm gì để phát huy thế mạnh này và giúp con tôm sú không ngừng nâng cao giá trị.

09/09/2013
Nuôi Thí Điểm Cá Thác Lác Cườm Nuôi Thí Điểm Cá Thác Lác Cườm

Từ nguồn vốn Chương trình 30a, cơ quan chức năng đã chọn hộ ông Lê Xuân Dũng (ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) để hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá thác lác cườm.

30/07/2013
Trồng Ớt Giảm Nghèo Bền Vững Trồng Ớt Giảm Nghèo Bền Vững

Ớt là loài cây gia vị được nông dân trồng rộng rải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đối với nhiều người nếu bữa ăn thiếu ớt sẽ thiếu sự ngon miệng. Theo các nhà khoa học, nếu sử dụng liều lượng vừa phải, ớt giúp tiêu hoá tốt, bổ sung vitamin có lợi cho cơ thể. Hàng ngàn hộ nông dân Ninh Thuận trồng ớt góp phần giảm nghèo bền vững.

30/07/2013
Lợi Ích Kép Từ Nuôi Cá - Lúa Vụ 3 Lợi Ích Kép Từ Nuôi Cá - Lúa Vụ 3

Phong trào nuôi cá lúa vụ 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua đạt kết quả rất khả quan. Ngoài hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống cho người nông dân, còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất và giảm chi phí cải tạo đất, phân bón cho vụ Đông Xuân tiếp theo. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có.

10/09/2013
Mô Hình “Cho Cá Bỗng Sinh Sản Tại Nhà Các Hộ Dân” Mô Hình “Cho Cá Bỗng Sinh Sản Tại Nhà Các Hộ Dân”

Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của xã Hương Sơn và của huyện Quang Bình trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thì yếu tố con giống và kỹ thuật nuôi đóng vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng

19/05/2013