Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cò Lúa Ăn Cửa Trên

Cò Lúa Ăn Cửa Trên
Ngày đăng: 05/03/2014

Cứ đến mỗi vụ thu hoạch lúa, thường xảy ra tình trạng “cò” (người môi giới) máy gặt đập liên hợp. Thực trạng này đang nổi lên thành xu hướng ở nhiều địa phương và chính điều này đã làm tăng thêm chi phí sản xuất cho người trồng lúa.

“Cò” cả hai đầu

Ông Võ Quang Tiên, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) cho biết: “Từ khi có máy GĐLH, nông dân như tôi rất phấn khởi. So với cắt bằng tay, cắt bằng máy GĐLH giảm được chi phí công cắt trên 70%. Tuy nhiên, để có máy cắt, đa số nông dân ở đây phải thông qua “cò””.

Chuyện môi giới máy GĐLH, mua lúa hiện nay trở thành xu hướng chung, nơi nào có ruộng là ở đó có cò. Mỗi một lần nhận được công cắt là chủ máy gặt phải chi cho cò từ 15.000-20.000 đồng/công và phần chi cho cò chủ máy trích trong phần giá công cắt.

Cò vừa đóng vai trò là thương lái, vừa là chủ máy GĐLH, nên nông dân càng thiệt. Khi nào thương lái vào mua lúa thì cò mới cho chủ máy vào cắt, trong khi đó, thương lái lại muốn mua lúa khô, nên họ neo gần cuối ngày mới cho cắt, cắt càng muộn thì lúa càng nhẹ ký, điều này có lợi cho thương lái hơn.

Ông Trần Văn Hùng ở ấp 2, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Gia đình tôi xin vay vốn ngân hàng mua 2 cái máy gặt đập liên hợp. Được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu, tôi cảm thấy vui, nhưng bây giờ bắt đầu lo. Lo, làm thế nào có được lúa để cắt vừa kiếm lời đóng lãi và trả gốc cho ngân hàng.

Ở Hậu Giang, lúa xuống đồng loạt, nên đến đợt thu hoạch chạy gần 1/2 tháng là hết đồng. Chạy đồng nhà, đồng ngoài tỉnh đều thông qua cò, mỗi công chi cho cò là 20.000 đồng. Sau khi trừ chi phí hết, mỗi công chủ máy GĐLH lời khoảng 100.000 đồng, nếu đồng xa giá cạnh tranh thì phá huề.

Như vụ Đông xuân năm rồi, sau khi chạy hết đồng ở địa bàn Hậu Giang, tui phải chạy xuống tới Bạc Liêu để kiếm đồng cắt, đi xa nhiều chi phí không lời. Bây giờ tui đang lo, thời gian tới có thêm nhiều người sắm máy GĐLH, không biết có đồng chạy nữa hay không, lo làm thế nào để làm có lời trả nợ vay ngân hàng”.

Ông Hà Minh Triều, HTX Phước Trung, ấp Trường Phước A, xã Trường Long A, cho biết: “Địa bàn Châu Thành A máy GĐLH ít, nên người dân phải nhờ cò. Nông dân nêu lý do, Công ty Cổ phần Thực vật An Giang thu mua nhưng không bỏ cọc trước nên họ chưa tin giá của công ty đưa ra. Trong khi cò đi mua lại bỏ cọc trước và cho máy vào thu hoạch luôn”.

Cần sự quan tâm của chính quyền địa phương

Cô Lệ, ở ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A nói: Nông dân tảo tần một nắng, hai sương với ruộng đồng để kiếm sống. Do đó, chính quyền địa phương nên quan tâm hơn để giúp nông dân giảm được những chi phí gián tiếp.

Ông Đỗ Văn My, ở ấp Nhơn Thọ, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, nói: “Tui có hơn 10 công đất, mỗi khi gặt lúa phải nhờ cò kêu máy GĐLH giùm, tui không biết chủ máy GĐLH ở đâu để kêu. Nên chăng, ở UBND xã có dán tất cả thông tin của những chủ máy GĐLH rồi thông báo cho người dân biết để người nông dân trực tiếp liên hệ với chủ máy”.

Ông Võ Quang Tiên, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho rằng: “Để hạn chế tình trạng cò, chính quyền địa phương cần có giải pháp thiết thực hơn. Có thể làm đầu mối để giúp cho nông dân và chủ máy gặp được nhau mà không phải lấy bất cứ khoản phí nào. Hoặc có thu phí, thì khoản phí đó để xây dựng lại những công trình công ích cho địa phương”.

Ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho rằng: Nên rà soát lại tình hình số lượng và hoạt động của máy GĐLH trên địa bàn. Để không ảnh hưởng đến thời vụ của nông dân, tránh bị chi phí gián tiếp, trưởng ấp và UBND các xã nên hợp đồng máy cho nông dân.

Còn ông Lê Viết Quyền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang, nhận xét: Muốn đầu tư thêm máy GĐLH, các ngành, địa phương nên đánh giá lại nhu cầu máy cho sát với thực tế. Đánh giá số lượng máy trên diện tích đã có và chưa có để tránh trường hợp dư máy, làm ăn không hiệu quả.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 299 máy GĐLH, trong đó trên địa bàn là 234 máy, ngoài tỉnh 65 máy.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lóc Lãi Hơn 1 Tỷ Đồng/ha/vụ Nuôi Cá Lóc Lãi Hơn 1 Tỷ Đồng/ha/vụ

Hơn 600 hộ nông dân ở huyện Trà Cú đang giàu lên từ nghề nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp trong vùng nước lợ. Bình quân, 1 ha mặt nước mỗi năm người nuôi cá lóc thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng/ha/vụ.

01/04/2013
Người Chăn Nuôi Gà “Than Vắn Thở Dài” Người Chăn Nuôi Gà “Than Vắn Thở Dài”

Đầu vào tăng, đầu ra liên tục giảm trong nhiều năm liên tiếp, đẩy người chăn nuôi gà ở Tiền Giang lâm vào tình cảnh nợ nần và đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó người tiêu dùng phải mua gà với giá khá cao. Trước tình trạng đó, người chăn nuôi chỉ có nước than vắn, thở dài…

04/06/2013
Nuôi Thí Điểm Thành Công Hươu Lấy Nhung Ở Ba Lòng (Quảng Trị) Nuôi Thí Điểm Thành Công Hươu Lấy Nhung Ở Ba Lòng (Quảng Trị)

Bằng nguồn vốn hỗ trợ vay từ Hội Nông dân xã, đến nay một số mô hình nuôi hươu lấy nhung thí điểm được thực hiện tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

02/04/2013
Thả 80.000 Con Cá Giống Ra Môi Trường Tự Nhiên Ở Vĩnh Long Thả 80.000 Con Cá Giống Ra Môi Trường Tự Nhiên Ở Vĩnh Long

Kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1-4, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và tái tạo, duy trì nguồn lợi thủy sản cho môi trường tự nhiên, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã thả 80.000 con cá giống các loại ra các sông ngòi, kênh rạch thuộc xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh), trong đó 40.000 con từ nguồn cá giống vận động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

03/04/2013
Đa Dạng Hóa Nguồn Huy Động Đa Dạng Hóa Nguồn Huy Động

Với phương châm đa dạng hóa các nguồn huy động để đảm bảo vốn đầu tư làm NTM, Hòa Vang đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tổ chức trong và ngoài thành phố...

04/06/2013