Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ hội nào cho trái nhãn?

Cơ hội nào cho trái nhãn?
Ngày đăng: 20/05/2015

Ngành nông nghiệp Vĩnh Long xác định, “cây nhãn vẫn nhiều tiềm năng”, cho nên cũng như nhiều tỉnh- thành ĐBSCL, Vĩnh Long đang tiếp tục chiến dịch phòng chống chổi rồng, mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu.

Yêu cầu khắt khe

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp- PTNT), hiện 3 vùng trồng nhãn được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số đạt chuẩn xuất khẩu là Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ với khoảng 100ha. Nhãn của những địa phương này được xuất khẩu vào Mỹ có thể bán từ 20 - 25 USD/kg.

Nhưng nhãn khi vào thị trường Mỹ phải được chiếu xạ loại bỏ ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật, xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Ngoài ra, còn phải tuân thủ các quy định rất ngặt nghèo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Chính những quy định khắt khe này, cộng với việc dịch bệnh chổi rồng vẫn còn phức tạp là nguyên nhân nhãn Vĩnh Long chưa được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Nhận định về chiến dịch phòng trị nhãn chổi rồng chưa mang lại nhiều kết quả mong muốn trong thời gian qua, Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, do trong thời gian dài giá nhãn luôn mức thấp, nông dân ngán ngại đầu tư phòng trị.

Từ năm 2013 đến hết năm 2014, giá nhãn xuống chỉ còn 8.000 - 10.000 đ/kg, trong khi giá thành bao gồm cả chi phí phòng trừ bệnh đã lên tới 7.000 đ/kg nên lời không còn đáng kể. Điều này khiến nông dân càng bỏ bê vườn, dịch bệnh tái bùng phát trở lại.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, giá nhãn có phần khởi sắc trở lại, dao động từ 12.000 - 15.000 đ/kg. Ghi nhận tại một số xã cù lao huyện Long Hồ- nơi có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh, sau thời gian bỏ phế, nhiều nhà vườn đã quay lại chăm sóc và trồng mới những vườn nhãn không thể cải tạo.

Đầu tư khôi phục vườn nhãn

Vĩnh Long đang có cơ hội rất lớn xuất khẩu nhãn nếu khống chế được bệnh chổi rồng, tiến tới xây dựng vùng trồng đạt chứng nhận GlobalGAP hay VietGAP.

Kế hoạch phòng chống dịch chổi rồng, Sở Nông nghiệp- PTNT đề xuất phân loại vườn nhãn tiêu da bò bệnh chổi rồng áp dụng những biện pháp thích hợp.

Theo đó, đối với các vườn nhãn bị bệnh đã già cỗi, tuổi đời trên 20 năm, năng suất thấp, cây cao và rất khó cắt tỉa cành để kiểm soát bệnh, đề nghị nông dân chặt bỏ để chuyển sang các cây ăn quả khác có giá trị, hoặc trồng các giống nhãn mới có chất lượng, năng suất cao. Với vườn nhãn có tuổi đời từ 10 - 15 năm, sẽ vẫn áp dụng các quy trình phòng trừ, chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp- PTNT.

Sở Nông nghiệp- PTNT cũng đang chỉ đạo Trung tâm Giống nông nghiệp nghiên cứu, chọn tạo giống nhãn kháng bệnh chổi rồng, có năng suất cao, chất lượng quả ngon, thích ứng rộng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đưa vào khuyến khích nhà vườn sản xuất.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp, trong năm nay phải xây dựng 1 - 2 mô hình lớn đảm bảo các yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật để tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu gắn với chiến dịch phòng trừ bệnh trên cây nhãn do Bộ Nông nghiệp- PTNT phát động. Đến cuối năm 2015, Vĩnh Long sẽ có vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa- Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nhãn là loại cây có thể xử lý ra trái quanh năm, đáp ứng được số lượng lớn để xuất khẩu. Dự kiến thời gian tới mỗi năm, ViệtNam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1.200 tấn nhãn. Đây là cơ hội lớn cho trái cây đặc sản ViệtNam, nhất là trái nhãn của ĐBSCL, tiếp bước thanh long và chôm chôm bước vào thị trường được cho là khó tính này.

PGS-TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho rằng, chinh phục được các thị trường mới như Mỹ, sẽ tạo nhiều động lực để nông dân tiếp tục phát triển vườn nhãn. Nhãn có thể rải vụ, cho ra trái vụ nghịch, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về sản lượng của nhà nhập khẩu hàng tháng, hàng năm. Nếu thị trường tiêu thụ được rộng mở, chỉ trong vòng 3 năm, nông dân đủ khả năng cũng cố vườn cây, cung cấp sản phẩm với sản lượng lớn, ổn định cho xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Để Nuôi Thỏ Trở Thành “Mỏ Vàng” Để Nuôi Thỏ Trở Thành “Mỏ Vàng”

Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.

26/07/2013
Vào Mùa Thu Hoạch Lươn Ở An Giang Vào Mùa Thu Hoạch Lươn Ở An Giang

So với cùng kỳ năm trước, giá lươn thu mua tại bồn thời điểm này tuy có thấp hơn chút đỉnh nhưng người nuôi lươn vẫn phấn khởi vì lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lươn trong bồn không sử dụng nhiều vốn, không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần chịu khó chăm sóc là có thể bỏ túi vài chục triệu đồng sau 5 - 7 tháng thả nuôi.

22/07/2012
Nhiều Gia Đình Mở Hướng Nuôi Hươu Quy Mô Lớn Nhiều Gia Đình Mở Hướng Nuôi Hươu Quy Mô Lớn

Theo kết quả đánh giá về phát triển kinh tế của UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về phát triển nông nghiệp đến tháng 7/2012 thì khả quan nhất vẫn là chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là hươu.

22/07/2012
Ngọt, Đắng Cùng Cây Mía Ở Cà Mau Ngọt, Đắng Cùng Cây Mía Ở Cà Mau

Cây mía đã gắn bó với người dân Cà Mau từ rất lâu. Sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Cà Mau vẫn giữ lại một diện tích lớn để quy hoạch vùng trồng mía, chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.

28/05/2013
Mô Hình Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Mô Hình Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Để giảm chi phí thức ăn, vịt thường được chăn nuôi chạy đồng, gắn với vụ gặt hàng năm. Nhiều gia đình nuôi tới hàng ngàn con, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào thì vịt chạy đồng là đối tượng dễ bị dịch cúm tấn công và là nguồn lây lan mầm bệnh. Do đó, đối với vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học thì hình thức nuôi vịt chạy đồng không được khuyến khích. Thay vào đó hình thức chăn nuôi có sự quản lý chặt chẽ trên một khu vực nhất định là biện pháp giúp bà con nông dân kiểm soát chặt chẽ sự xâm nhập của mầm bệnh vào đàn vật nuôi, tạo ra sản phẩm thịt sạch cho thị trường.

23/07/2012