Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ Hội Nào Cho Nông Dân Việt?

Cơ Hội Nào Cho Nông Dân Việt?
Ngày đăng: 14/10/2014

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, một trong những lĩnh vực sẽ chịu tác động lớn nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nông nghiệp. Nông dân Việt Nam phải thích ứng với môi trường cạnh tranh khốc liệt về sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Nông dân Đồng Nai đang từng bước làm quen với sự cạnh tranh của thị trường chung này. Các doanh nghiệp (DN), chủ trang trại thì đầu tư sản xuất theo hướng công nghiệp với quy mô lớn; hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ thì liên kết để tăng sức cạnh tranh.

* Sản xuất lớn

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, một trong những chủ trang trại tiên phong ứng dụng mô hình chăn nuôi VietGAP tại Đồng Nai, chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư xây dựng chuỗi các trang trại trên địa bàn Đồng Nai, trong đó 60% tổng đàn gà đã đạt chứng nhận VietGAP và tiến tới sẽ ứng dụng cho toàn hệ thống trang trại.

Đảm bảo về chất lượng là vấn đề được tôi quan tâm hàng đầu để bước vào hội nhập. Ở đây, tôi đang hoàn thiện quy trình khép kín trong chăn nuôi, từ khâu sản xuất con giống đến tổ chức giết mổ và phân phối ra thị trường nhằm làm ra sản phẩm sạch với giá cạnh tranh nhất”.

Ông Đỗ Hải, một trong những khách hàng lớn của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, cho biết: “Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và sản xuất theo quy mô lớn, chi phí sản xuất của tôi giảm gần 50% so với cách làm truyền thống. Ngành mía đường Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới, nhưng vẫn không thiếu cơ hội nếu đẩy mạnh ứng dụng cơ giới  hóa, sản xuất theo hướng công nghiệp”.        

Công ty cổ phần DFB Hanco Việt Nam (DFB Hanco Nutrition) chuyên sản xuất sữa và thực phẩm dinh dưỡng vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sữa và ngũ cốc nảy mầm GABA tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ), trong giai đoạn 1 với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, dự kiến nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 36 ngàn tấn sản phẩm/năm.

Ông Phạm Ngọc Châu, Phó tổng Giám đốc DFB Hanco Việt Nam, so sánh: “Gạo GABA nhập khẩu cao gấp 10 lần giá gạo thường của Việt Nam.

Chúng tôi đầu tư để sản xuất ra những dòng sản phẩm sữa và dinh dưỡng ứng dụng công nghệ sinh học đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Ngoài mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng loại thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng, chúng tôi cũng muốn góp phần thay đổi cái nhìn về nông sản Việt Nam, không chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô với giá trị thấp”.

* Nông hộ liên kết để phát triển

“Song song với việc đầu tư nhà máy chế biến, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu được chuẩn hóa từ khâu chọn giống, canh tác đến thu hoạch. Đồng Nai là một trong những ưu tiên lựa chọn vì gần nhà máy chế biến và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cây trồng. Chúng tôi sẽ liên kết với nông dân, DN tại địa phương để triển khai dự án, không chỉ dừng lại ở khâu bao tiêu sản phẩm mà sẽ đồng hành với nông dân trong suốt quá trình sản xuất” - ông Châu nói.

Ngoài cây ca cao, Đồng Nai đang triển khai hàng loạt dự án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với nhiều loại cây, con chủ lực, như: cà phê, điều, tiêu, mía… Các chuỗi liên kết này thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân và nhà nước. Mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản khi bước vào hội nhập.

Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã ca cao huyện Thống Nhất, thông báo: “Chúng tôi vừa thành lập hợp tác xã này trên nền tảng các câu lạc bộ năng suất cao. Ở đây, sự liên kết không chỉ dừng lại giữa nông dân trồng ca cao tại một xã mà mở rộng ra quy mô cấp huyện, cấp tỉnh.

Tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, như: được hướng dẫn về kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm với giá tốt, hỗ trợ về vốn… Hợp tác xã vừa được DN hỗ trợ vốn để xây dựng nhà sơ chế tại chỗ. Theo đó, 1 tấn ca cao tươi, nông dân có thể thu lợi thêm vài triệu đồng nhờ giảm được chi phí vận chuyển và công lao động”.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Nhiều khách hàng từ châu Âu, Hàn Quốc… đặt vấn đề hợp tác với Suối Lớn cho thấy nông sản của Việt Nam không thiếu cơ hội khi tham gia vào thị trường thế giới. Với trái xoài, Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh với diện tích lớn. Ở đây, chúng ta cần liên kết lại để tìm đầu ra bền vững”.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Nho Trôm Hiệu Quả Mô Hình Trồng Nho Trôm

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho- trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn. Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho- trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.

29/07/2013
Nuôi Trồng Thủy Sản Đồng Bằng Sông Cửu Long Kẻ Lấp, Người Đào Nuôi Trồng Thủy Sản Đồng Bằng Sông Cửu Long Kẻ Lấp, Người Đào

Trong khi nông dân ương cá tra giống ở ĐBSCL quyết định lấp ao do giá cá rớt mạnh, không còn vốn duy trì sản xuất, thì phong trào đào ao từ đất ruộng để nuôi cá lóc lại phát triển rầm rộ, dù đầu ra sản phẩm vẫn còn là câu hỏi lớn.

30/07/2013
Cựu Chiến Binh Nguyễn Thành Nga Làm Kinh Tế Giỏi Cựu Chiến Binh Nguyễn Thành Nga Làm Kinh Tế Giỏi

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Thành Nga nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

30/07/2013
Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế Đổi Thay Từ Những Mô Hình Kinh Tế

Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc với trên 98% là đồng bào dân tộc Raglai. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đến ¾ là đồi dốc, dễ bị xói mòn nên canh tác rất khó khăn. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, những đề án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, đem lại sự đổi thay ấm no cho nhân dân Phước Chiến.

30/07/2013
Pinăng Xuân Làm Kinh Tế Giỏi Pinăng Xuân Làm Kinh Tế Giỏi

Hơn 10 năm trước, trong khi các hộ dân ở địa phương còn mang nặng tập quán sản xuất lạc hậu, thì anh đã nghĩ đến việc mở rộng đất đai phát triển sản xuất. Ý chí và quyết tâm của anh mang lại những thành công ngoài mong đợi. Điều này thể hiện ở chỗ, dù thời tiết khô hạn, nhưng chưa có vụ nào anh bỏ đất hoang.

30/07/2013