Cơ hội mở cửa cho nhãn Châu Thành (Đồng Tháp)
Cây nhãn Idor xuất hiện ở vùng cù lao An Hòa, huyện Châu Thành khoảng gần 20 năm trước. Tuy nhiên mãi đến những năm gần đây khi cây nhãn tiêu da bò của địa phương bị dịch hại chỗi rồng tấn công thì diện tích nhãn Idor mới phát triển mạnh.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, hiện nay diện tích trồng nhãn của huyện là 3.307ha, trong đó diện tích nhãn Idor là 800,20ha. Theo bà con trồng nhãn Idor ở địa phương thì cây nhãn Idor có nhiều lợi thế kinh tế hơn các loại nhãn tại địa phương như: tỷ lệ nhãn bị nhiễm chỗi rồng thấp, giá cả cao, thị trường tiêu thụ rộng...
Với giá bán trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/kg và năng suất lên đến 25 - 30 tấn/ha/năm, người trồng nhãn Idor ước tính thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Hữu Hiện - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản (THT) xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết: “Từ trong Tết Nguyên đán đến nay, THT cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gần 50 tấn nhãn tươi. Ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ thì hiện nay một số đối tác đã đến khảo sát và tiến hành thực hiện cấp giấy chứng nhận vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình GlobalGAP để phục vụ xuất khẩu cho thị trường Anh quốc.
Ngoài ra, THT cũng xuất bán nhãn Idor sang đường tiểu ngạch ở thị trường Trung Quốc. Việc thị trường xuất khẩu đang rộng mở cho sản phẩm nhãn Idor của huyện Châu Thành không những góp phần khẳng định uy tín, chất lượng cho sản phẩm nông sản của địa phương, mà đây còn là hiệu ứng tốt giúp đảm bảo cho việc ổn định giá cả và kích thích thị trường tiêu dùng trong nước”.
Ông Hiện cho biết thêm, để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các nhà vườn không những phải thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà nhập khẩu mà còn phải cam kết và đảm bảo về sản lượng đối với đối tác. Hiện nay, diện tích sản xuất của THT là trên 10ha và 100% diện tích nhà vườn đều thực hiện rải vụ quanh năm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo về kích cỡ theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, chúng tôi còn thực hiện kỹ thuật tuyển trái cho trái nhãn có kích cỡ và màu sắc đồng đều.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đòi hỏi vùng nhãn nguyên liệu phải được sản xuất theo quy trình VietGAP và tuân thủ yêu cầu của Mỹ. Trước khi được cấp chứng nhận mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các chuyên gia Mỹ đã tiến hành khảo sát nhiều lần tại vùng nguyên liệu ở cù lao An Hòa, huyện Châu Thành.
Sau nhiều đợt kiểm tra, phân tích, tháng 10/2014 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã chính thức cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho 17 hộ trồng nhãn với khoảng 30ha nhãn An Hòa.
Ông Phan Văn Sum, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành chọn 5 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, khoai lang, nhãn, heo và cá tra. Việc nhãn ở huyện Châu Thành xuất khẩu sang Mỹ và Anh là một bước tiến lớn của ngành nông nghiệp huyện.
Tuy nhiên hiện nay, sản lượng nhãn và số hộ được tham gia xuất khẩu còn rất hạn chế so với diện tích nhãn hiện có của huyện. Bên cạnh đó, hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành còn hạn chế, do đó chưa tạo được hiệu ứng tốt và sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Trong thời gian sắp tới, huyện sẽ mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận với thị trường xuất khẩu, cũng như dành những chính sách ưu đãi và hỗ trợ để hoạt động của HTX được tốt hơn”.
Nhận định về thị trường tiêu thụ đối với mặt hàng nhãn Idor của huyện Châu Thành, ông Phan Kim Sa - Phó Giám Đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm nhãn Idor của huyện Châu Thành còn rất dồi dào, thị trường xuất khẩu lại đang rộng mở. Đây là cơ hội tốt đối với bà con nông dân và doanh nghiệp.
Vấn đề hiện nay là phải củng cố lại ban lãnh đạo của HTX nhãn Châu Thành, khi HTX đã đủ mạnh thì tiến hành chuyển giao kỹ thuật, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu”.
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo trên tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất niên vụ lúa năm 2014 và triển khai vụ Đông Xuân 2014-2015 tại khu vực Nam Bộ, ngày 10/10 của Bộ NNPTNT.

Vừa qua, tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường, ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cùng các ngành liên quan của huyện và ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp đã họp bàn thực hiện liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2014 - 2015.

Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Cái Tàu Hạ có 16 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng; hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực: cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài huyện.

Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.

Cũng do gia cảnh khó khăn, học đến cấp 3, Đồng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Năm 2.000, Đồng lập gia đình, khi “ra riêng” được bố mẹ cho 1 sào đất (1.000 m2) để làm nông. Ban đầu, anh tiếp tục gắn bó với cây rau, nhưng giá rau bấp bênh nên cuộc sống không ổn định. Không chấp nhận tình cảnh này, Đồng đi khắp các nhà vườn ở địa phương để tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp.