Cô Chủ Trang Trại Heo Rừng Miền Sông Nước

Ở miền Tây, vùng có nước ngọt quanh năm, hiện có nhiều mô hình chăn nuôi khá đặc biệt như nuôi hươu - nai lấy lộc nhung ở Bình Minh, nuôi cừu lấy lông ở Tam Bình, nuôi đà điểu ở Long Hồ, Vĩnh Long... Riêng vùng tây nam sông Hậu thuộc tỉnh Hậu Giang có một hộ chăn nuôi heo rừng với quy mô trang trại, mà chủ nhân lại là một cô gái chưa tròn 27 tuổi!
Từ TP. Cần Thơ đi theo Quốc lộ 1A khoảng 10 km đến gần thị trấn Cái Tắc, rẽ về ấp Thạnh Long, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi phải băng đường vườn gần một cây số. Được bao lưới B40, trang trại nằm trong một khu vực thanh vắng, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng “ủn ỉn” hay “hộc hộc” của mấy chú heo.
Vóc dáng khá cao ráo, nước da ngăm ngăm khỏe mạnh, cô gái miệt vườn Văn Thị Ngọc Luyến vốn quanh năm chỉ biết làm cỏ vườn và chăm sóc cây cam, cây nhãn. Cây trái thua lỗ thì chuyển qua trồng mía, nuôi heo. Cuộc sống trên mảnh vườn chỉ 2,5 công (2.500 m2) của gia đình Luyến khá cơ cực...
Cách đây vài năm, tình cờ xem truyền hình nói về các mô hình chăn nuôi của bà con nông dân ở một số nơi Luyến chú ý đến con heo rừng. Sau khi bàn tính với gia đình, Luyến tự thân lặn lội, tìm hiểu kỹ thuật và thị trường, tham quan các trang trại nuôi heo rừng ở Tây Nguyên, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước, Bình Dương - khi ấy Luyến mới vừa qua tuổi 20!
“Năm 2004, tích góp tiền của gia đình, vay thêm ngân hàng, tổng cộng khoảng 100 triệu đồng, để mua lưới B40, mua cây, gạch, cát, xi măng để làm chuồng và mua heo giống... Lên tận Đăc Lăk mua về 5 con (4 cái, 1 đực), mỗi con nặng 25 kg, giá 10 triệu đồng/con”, Luyến nói.
Nhưng thời tiết ở miền Tây đâu giống như ở miền ngoài, nên heo bị “chối nước” và chết 3 con cái, chỉ còn lại 1 con đực, 1 con cái. Không nản chí, Luyến quyết định gầy giống bằng việc tiếp tục mua về vài con nữa... Cũng may là heo đã thích nghi được và phát triển thành bầy đàn.
Chuồng xây khá đơn giản, chỉ cần vài hàng gạch làm tường. Heo lớn, heo nhỏ để riêng, mỗi chuồng thả từ 5 đến 10 con. Từ vài con giống, nay Luyến đã có hết thảy 50 con giống, chưa kể heo tơ và rất nhiều heo con, heo lứa đang trong độ tuổi lớn.
Thức ăn thì dễ tìm: từ khoai lang, củ chuối đến chuối cây, rau và lục bình... Hàng ngày chúng ăn khoảng 50 kg khoai lang (2.000 đ/kg), tức khoảng 100.000 đ.
Mới học đến lớp 6 thì Luyến đã phải nghỉ học. “Nhà không khá giả gì vào thời đó nên mình phải bỏ học giữa chừng”, Luyến tâm sự. Vậy mà cô trình bày về những đặc tính của heo rừng giống như một kỹ sư thứ thiệt! Luyến cho biết: đặc tính của heo rừng là hoang dã, hung dữ, dễ tấn công người, nhưng nuôi riết heo quen hơi nên chịu đến gần những ai cho nó ăn thường xuyên; mỗi năm heo đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 con; thời gian mang thai là 3 tháng 10 ngày; làm chuồng nên chọn những nơi đất cao, thoát nước tốt, tránh gió lùa vì heo dễ bị ho cảm...
“Này nhé, heo mình đang nuôi ban đầu là heo đực rừng cho phối giống với heo cỏ, cho ra heo thế hệ F1 (heo con đen tuyền, chân thỉnh thoảng trắng, mặt nhăn, tai hơi to). Kế đến là chọn nái nền của thế hệ F1 tiếp tục đem lai giống với đực rừng, cho ra thế hệ F2 (đen tuyền hoặc lông vàng - sọc dưa dọc theo sườn, chân thỉnh thoảng trắng, bụng trắng). Nái nền F2 cho lai với đực rừng, cho ra thế hệ F3, hoàn toàn giống heo rừng (mõm hơi ngắn, sọc dưa toàn thân...). Thường bán thịt những con heo thuộc thế hệ F2 và F3”, Luyến giải thích.
Là con gái đầu lòng của ông Văn Tấn Sơn năm nay ngoài 50 tuổi, Luyến có một em trai ở nhà phụ giúp gia đình. “Luyến bán heo ở đâu?”, tôi hỏi. “Heo rừng hiếm thịt nên bán chạy lắm. Sau khi mình nuôi khá thành công, có nhiều người quanh vùng hỏi mua thịt, mua giống, bán không kịp”, Luyến bộc bạch.
Luyến cũng là một người kinh doanh giỏi. Một con heo giống nặng 10 kg, bán 4 triệu đồng/con. Thịt heo rừng hơi, giá 150.000 -180.000 đ/kg; thịt làm sẵn, 200.000 đ/kg. Quán thịt heo rừng của Luyến ở chợ Cái Tắc gần đó thì luôn đông khách. Luyến cho biết thêm: “Mô hình nuôi heo rừng, bán thịt và các món thịt heo rừng chế biến của mình khá khép kín. Với số heo hiện tại, cứ cách 2 - 3 ngày là xẻ thịt 1 con, phục vụ các món ăn cho quán. Heo nuôi được khoảng 5 - 6 tháng, nặng
30 - 35 kg, là xẻ thịt được...”.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, đã cho biết: “Cơ quan chức năng địa phương có cấp giấy chứng nhận và cấp sổ cho Luyến nuôi heo rừng - động vật hoang dã - để theo dõi và kiểm tra định kỳ hẳn hoi. Những con heo con ra đời thì Luyến thường xuyên bổ sung thêm danh sách cho đàn heo của mình, để cơ quan chức năng tiện việc quản lý...”.
Với một con heo nuôi 8 tháng tuổi (30 kg), Luyến bán được 5 - 6 triệu đồng, lãi khoảng 3 triệu đồng. Tính chung, đàn heo đang nuôi trị giá khoảng 250 triệu đồng. Tiền lãi từ quán heo rừng, Luyến thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm trong hơn hai năm qua. Luyến cho biết: “Trong năm tới, tôi sẽ mở rộng quy mô thêm 2.000 m2 nữa để nuôi heo rừng thịt”.
Có thể bạn quan tâm

Tại xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), mô hình chăn nuôi gà ta thịt của CCB Cát Văn Kim thôn Ngô Cương với số lượng nuôi 3 nghìn con mỗi lứa cho thu lãi 500 triệu đồng/năm. Diện tích chăn nuôi không lớn nhưng đây được xem là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và dễ áp dụng cho các hộ chăn nuôi.

Với nghề nuôi ngựa truyền thống của gia đình, anh Lực dành thêm 4 năm theo học nghề chăn nuôi thú y. Sau khi tham khảo thị trường, năm 2012 anh Lực đã vay vốn để cải tạo, mở rộng chuồng trại, mua 7 con ngựa cái về nuôi. Một năm sau, đàn ngựa cái bắt đầu sinh sản. Trung bình ngựa cái sau 11 tháng sẽ đẻ con, ngựa con nuôi trong vòng 1 năm rưỡi là có thể bán.

Nhằm đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, giảm nghèo và vươn lên khá giả, cùng với các loại hình nuôi đa cây, con khác, việc nuôi rắn ri tượng tại hộ gia đình hiện tại được một số nông dân trong xã Việt Thắng, huyện Phú Tân (Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả khá.

Ông Trần Văn Bé Năm, ấp 17, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nông dân trong ấp nhiều năm qua vẫn bỏ phí rơm sau thu hoạch. Nhiều hộ có trồng nấm rơm nhưng chỉ thu hoạch đủ phục vụ bữa ăn gia đình hoặc bán chút ít".

Thời điểm này nhiều người trồng cà chua Pháp lai TOMATO F1 MONGAL (T-11) ở thôn Tê Chử, xã Đồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng) đứng ngồi không yên do trước đó, nhiều ruộng cà đang trồng xanh tươi bỗng héo rũ, xoăn ngọn, vàng lá, chết hàng loạt. Bà con cộng thêm lo lắng khi chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.