Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cơ Chế, Chính Sách Còn Vênh

Cơ Chế, Chính Sách Còn Vênh
Ngày đăng: 10/11/2014

“Vênh” trong bồi thường

Khảo sát về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ năm 2010 đến nay trên địa bàn huyện Mộ Đức, UBND huyện cho biết đã phê duyệt 77 phương án bồi thường (PABT), hỗ trợ và tái định cư (TĐC) với tổng diện tích đất đã thu hồi hơn 2.000ha của 4.896 hộ. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 239 tỷ đồng.

Đến nay, huyện đã bố trí TĐC cho 145 hộ với 145 lô đất/15.000m2, có 37 hộ ở 2 phương án chưa nhận tiền bồi thường.

37 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường ở huyện Mộ Đức tập trung ở 2 dự án, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn Thạch Trụ-Phổ Phong (2 hộ); Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (35 hộ). Trong đó, 2 hộ kiên quyết “giữ” đất, bất chấp việc khiếu nại đã được UBND tỉnh, huyện giải quyết là bà Bùi Thị Thanh Trúc và Phạm Thị Nhị ở xã Đức Lân. Lý giải thái độ này, bà Bùi Thị Thanh Trúc cho rằng “do việc đền bù chưa thỏa đáng”. Đó là vì sao đất của bà và người dì đều nằm trên mặt tiền Quốc lộ 24, được tách ra cùng một thửa nhưng một mảnh thì đền bù theo giá đất ở, mảnh kia thì không?

Đối với 35 hộ bị ảnh hưởng của Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 thì ngoài lý do đất tranh chấp, đền bù không đúng, họ còn bức xúc với chuyện cắt xén nhà nên đến giờ vẫn không chịu nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Điều này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân là “một phần do cơ chế chính sách”.

Bởi quy trình cắt xén nhà hiện giờ vẫn chưa thống nhất giữa cơ quan lập và thẩm định, kéo theo việc định giá trị cũng “vênh”. Đó là chưa kể nhiều trường hợp đất bị thu hồi gần hết, nhưng vì chưa đụng vào nhà nên người dân không được TĐC. “Việc này cấp trên nên xét lại vì diện tích đất còn lại quá ít, nếu không bố trí TĐC thì họ không biết sống ở đâu”, ông Lân cho hay.

Chờ gỡ nút thắt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng

Sở TN-MT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, những quy định này vừa cụ thể, chi tiết, vừa đảm bảo yếu tố pháp lý nhưng thông thoáng và dễ thực hiện hơn so với các quy định trước đây.

Cụ thể: Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún đe dọa tính mạng con người, trước đây không quy định còn hiện nay được bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Hay việc bồi thường trước đây áp dụng theo khung giá đất do UBND tỉnh ban hành hằng năm, nay giá đất để tính bồi thường theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất cho từng dự án...             

Riêng Dự án tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa đã được UBND huyện giải quyết nhưng còn 3 hộ Nguyễn Đình Binh, Lữ Phi, Lữ Nước (Đức Lân) vẫn không chịu giao đất, cản trở thi công. Điều này kéo theo gói thầu số 17 Dự án tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa phải dừng cả năm trời.

Một vấn đề tồn đọng nữa là trong số 77 PABT đã được UBND huyện Mộ Đức phê duyệt không có PABT nào xây dựng kèm phương án đào tạo nghề. Điều này được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ rõ: “Chủ đầu tư chỉ chú trọng làm sao PABT được thông mà “né” việc đào tạo nghề để tiết kiệm chi phí, trong khi đơn vị chủ quản cũng thiếu kiểm tra, giám sát”. Giải thích vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho rằng: “Vì không biết đào tạo nghề gì, rồi lao động học xong chẳng biết tìm việc ở đâu nên chủ đầu tư dùng phần kinh phí này hỗ trợ trực tiếp cho người dân”! 

Chính sách nông nghiệp: Ì ạch vì thiếu vốn

Đối với 3 cơ chế chính sách khuyến khích do Sở NN&PTNT thực hiện gồm: Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn cấp xã giai đoạn 2013-2015, chủ trương dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013-2020, phát triển HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013-2015, kết quả chưa đạt được như mong đợi.

Toàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất xã Bình Dương (Bình Sơn) đạt 19 tiêu chí NTM thì, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa và chỉnh trang cũng dừng lại ở con số 260ha. Trong khi kế hoạch, giai đoạn 2013-2015, toàn tỉnh phấn đấu có 17 xã đạt NTM; dồn điền đổi thửa và chỉnh trang 12.677ha/21.700ha. Lý giải kết quả rất khiêm tốn trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng: “Do vốn ít, nguồn lực hạn chế”. Cụ thể là giai đoạn 2011-2013, vốn (ngân sách, vốn vay) đầu tư cho NTM chỉ hơn 154 tỷ đồng (ước vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 6.100 tỷ đồng); còn dồn điền đổi thửa thì ngân sách tỉnh chỉ mới hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng (ước vốn đầu tư giai đoạn 2013-2020 là 829 tỷ đồng).

Vốn đã nhỏ giọt, mà nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động huy động và thu hút nguồn lực (doanh nghiệp) cùng tham gia; rồi quá trình thực hiện dồn điển đổi thửa lại vấp phải sự bất hợp tác của người dân...

Hẳn với những lý do rất… chính đáng như thế nên hiện giờ, hàng loạt công trình hạ tầng dân sinh như trạm y tế xã, chợ, nhà văn hóa thôn, công trình thoát nước thải khu dân cư hoặc dự án phát triển sản xuất và dịch vụ, hạ tầng sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản…ở các xã điểm NTM vẫn chưa được xây dựng. Bên cạnh đó, tiến độ dồn điền đổi thửa cũng ì ạch vì địa phương nào cũng... than khó, mất thời gian lại không có kinh phí để thực hiện.

Thế nên để các chính sách trên phát huy hiệu quả thì ngành nông nghiệp chỉ có một mong ước, đó là “tỉnh sớm bố trí vốn”. Đây hẳn là điệp khúc không chỉ riêng của ngành nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Chăn Nuôi Bò Sinh Sản Ở Bản Poọng Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Chăn Nuôi Bò Sinh Sản Ở Bản Poọng

Bước đầu cho thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Poọng đã nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân.

22/11/2014
Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Xã Hoằng Hợp Cho Thu Nhập Từ 150 Đến Hơn 220 Triệu Đồng/ha/năm Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Xã Hoằng Hợp Cho Thu Nhập Từ 150 Đến Hơn 220 Triệu Đồng/ha/năm

Đây là địa phương có truyền thống sản xuất rau, củ, quả quanh năm với diện tích và quy mô lớn. Với kinh nghiệm trồng rau hàng hóa, nông dân Hoằng Hợp đã đạt hệ số quay vòng đất bình quân 3,5 lứa/năm, nhiều gia đình đã gieo trồng tới 4 đến 6 lứa rau/năm. Theo tính toán, một năm, mỗi ha đất vùng chuyên canh rau cho tổng thu nhập bình quân từ 150 đến 160 triệu đồng.

22/11/2014
Huyện Thường Xuân Triển Khai Thực Hiện Dự Án “Xây Dựng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Thương Phẩm” Huyện Thường Xuân Triển Khai Thực Hiện Dự Án “Xây Dựng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Thương Phẩm”

Dự án có quy mô 450 m3 bể nuôi với 2.000 con giống, thả làm 2 đợt. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng (gồm mua con giống, thức ăn, thiết bị máy móc, hỗ trợ công nghệ). Dự kiến sau thời gian 1 đến 2 năm nuôi sẽ bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 đến 2 kg/con.

22/11/2014
Thuế Đối Với Nông Nghiệp Sẽ Giảm Còn 15% Thuế Đối Với Nông Nghiệp Sẽ Giảm Còn 15%

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thay vì trước đây chỉ có 5 ngành là dệt may; da giày; sản xuất lắp ráp ôtô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

22/11/2014
Xuất Khẩu Chè Việt Nam Sang Đài Loan Vẫn Tăng Xuất Khẩu Chè Việt Nam Sang Đài Loan Vẫn Tăng

Ngày 21/11, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cho biết, việc xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan, Trung Quốc vẫn không bị ảnh hưởng nhiều sau tin đồn thất thiệt chè Việt Nam nhiễm dioxin.

22/11/2014