Chuyện Ông Mười Phú Trồng Lúa Sạch

Đeo đuổi ý tưởng trồng lúa sạch nhiều năm nay, nhưng phải đến vụ đông xuân 2009 - 2010, ông Nguyễn Văn Phú (Mười Phú), ở ấp An Hòa, xã An Nhứt (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) mới bán được những bao lúa sạch đầu tiên theo đúng giá trị của nó. “Gần 40 năm mần ruộng, lần đầu tiên tui mới được mở mặt, mở mày vì có người biết đánh giá đúng sản phẩm do mình làm ra”, ông Mười Phú xúc động nói.
Chi phí thấp, chất lượng cao
Bán được 3 tấn gạo VN20 và VND 95-20 với giá 11.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với giá thị trường, ông Phú mừng hết cỡ. Ai cũng khen lúa của ông đều trân, hạt nào cũng chắc nụi, chà ra không bị gãy đôi, cứ 20kg lúa là cầm chắc 12-14kg gạo. “Vậy mà, mấy năm nay chưa có thương lái nào chịu mua với giá đó, dù họ biết chắc rằng mua lúa của tui không bao giờ lỗ”, ông Mười Phú tiếc rẻ.
Năm 2006, được huyện hỗ trợ cho chiếc máy sạ hàng, ông bắt đầu thực hiện quy trình sạ thưa theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông. Cây lúa cũng như con người, nhà đông con sẽ thiếu ăn. “Một mẹ, một con không những mẹ tốt mà con cũng khỏe mạnh, mập mạp”. Làm theo cách nghĩ đó, ngay vụ đầu tiên, ông đã trúng lớn. Bông lúa dài, hạt chắc, tỷ lệ hạt lép ít, lại đỡ tốn chi phí giống, thuốc trừ sâu nhờ giảm sâu bệnh. Có thời kỳ lúa trổ đòng, trong khi bà con hàng xóm chạy đôn chạy đáo tìm thuốc diệt sâu rầy thì ruộng lúa của ông vẫn xanh tốt. “Nói vậy chứ làm lúa sạch cũng không dễ đâu, ngày nào tui cũng xuống ruộng quan sát, về nhà mở mạng internet tìm hiểu từng loại bệnh, bây giờ chỉ cần nhìn màu lúa là biết lúa bị bệnh gì, cần bón thêm loại phân gì”, ông Mười tâm sự.
Hiệu quả bước đầu thấy rõ, nhưng ông Mười vẫn trăn trở, mình đã hạn chế được thuốc trừ sâu, tại sao lại không hạn chế được phân hóa học? ông nghĩ, mấy chục năm qua, bà con ta cứ cấy đều đều 3 vụ lúa/năm, “bóc lột” hết chất dinh dưỡng của đất, mà không tìm cách bổ sung lại. Vậy là ông quyết định từ giã phân hóa học, thay bằng phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho lúa. Nhưng nếu cứ tưởng phân hữu cơ vô hại mà bón không đúng nguyên tắc là sai lầm. Phải bón đúng định kỳ, liều lượng, tuyệt đối không để phân dư thừa, vừa lãng phí, vừa tạo cơ hội mời gọi ong, bướm gây hại.
Sau 4 năm tự mày mò tìm ra quy trình làm lúa sạch, giờ đây ông đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Vụ mùa này ông còn vận động bà con làm theo. “Ai không tin, tui bảo họ cứ làm theo tui, bảo đảm năng suất thấp nhất là 4 tấn/ha”, Mười Phú quả quyết.
Cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu
Người dám trả đúng giá cho những bao lúa được sản xuất bằng cả tâm huyết của lão nông Mười Phú chính là chị Hoàng Thị Thanh Dung, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Dung, đầu mối cung ứng gạo lớn nhất nhì TP. Vũng Tàu. Một lần tình cờ đi dự khai trương nhà máy xay lúa ở xã An Nhứt (huyện Long Điền), chị Dung nghe bà con thắc mắc không biết ông Mười Phú làm ruộng kiểu gì mà không cần nhiều phân, thuốc, lúa chà ra lại được gạo hơn mình. ý tưởng xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn, cung ứng cho người tiêu dùng đã nhen nhóm trong đầu chị Dung từ đó.
Biết được thiện ý của chị Dung, ông Mười Phú đồng ý cho đưa mẫu gạo đi xét nghiệm ngay. Thật bất ngờ, mẫu gạo của ông Mười không những đạt, mà còn vượt một số tiêu chuẩn về gạo an toàn. Chị Dung vui mừng mua hết 3 tấn gạo vụ đông xuân năm 2009 -2010 của ông Mười với giá cao hơn 10% so với giá thị trường lúc đó. Mặc dù chưa được công nhận thương hiệu, nhưng chị vẫn mạnh dạn đóng số gạo này thành từng bao 5kg, 10kg và ghi rõ gạo sạch Mười Phú, coi như đó là cách để làm quen với người tiêu dùng. Không ngờ chỉ trong vòng nửa tháng, Công ty TNHH Hoàng Dung đã bán hết 3 tấn gạo sạch Mười Phú, nhiều người đến hỏi mua thêm nhưng không có. Vụ mùa này, nhờ được chị Dung động viên, ông Mười và bà con xung quanh sạ 6ha lúa sạch.
Trên đường xuống thăm ruộng lúa của ông Mười Phú, chị Dung bật mí sẽ hỗ trợ ông xây dựng thương hiệu gạo sạch Mười Phú. Chị nói: “Muốn có thương hiệu mình phải bảo đảm ổn định về chất lượng, sản lượng và quy trình sản xuất”. Bằng cách bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, thời gian tới chị sẽ tuyên truyền, vận động bà con ấp An Hòa sản xuất lúa theo quy trình của ông Mười và kiểm nghiệm chất lượng từng vụ. “Nếu ổn định trong vòng 2-3 năm, Công ty sẽ giúp ông Mười tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình. Khi đó, Công ty sẽ yên tâm mở rộng vùng nguyên liệu gạo sạch với khoảng 30ha. Đó là tâm nguyện của tôi trong suốt mười mấy năm gắn bó với thị trường gạo Việt Nam”, chị Dung khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian dài giá giảm mạnh, nông dân Bến Tre đổ xô đốn bỏ cây ca cao, đến nay, đầu ra của loại cây này rất ổn định, giá cao. Đặc biệt, những khu vườn được cấp chứng nhận UTZ cho thu nhập cao hơn cả cây dừa - cây trồng chính của các nhà vườn Bến Tre.

Bên cạnh đó, nhiều sâu bệnh khác cũng gây hại đáng kể như: Rầy nâu, rầy lưng trắng; khô vằn... Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo, thời gian tới, một số sâu bệnh tiếp tục gia tăng gây hại. Do đó, các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng chống.

Mặc dù có những bước phát triển tích cực trong khai thác thủy sản, song ở tỉnh ta vẫn còn tình trạng số lượng lớn tàu cá công suất nhỏ và cả tàu cá công suất lớn tập trung khai thác thủy sản trái phép ở vùng ven bờ, sử dụng các ngư cụ, phương pháp khai thác mang tính hủy diệt dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, môi trường bị xâm hại, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của ngư dân.

Mỗi lứa, gia đình anh Trần Văn Thơ, ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) nuôi từ 6.000 đến 8.000 con gà, nguồn giống được lấy từ các trại sản xuất, kinh doanh giống trong tỉnh Thái Nguyên.

Nhà anh Bùi Văn Tú Em có 24 công ruộng nhưng “mới thu hoạch được hơn 10 công thì trời mưa suốt, khoảng 5 công lúa ngã xẹp lép buộc phải mướn cắt tay với giá 400.000 đ/công”. Anh Tú Em nhẩm tính, năng suất vụ này khoảng 25 giạ/công, với giá lúa 105.000 đ/giạ như hiện nay nếu thời tiết thuận lợi, cắt máy được thì trừ chi phí nông dân còn có thể lời khoảng 1 triệu đồng/công.