Chuyển lúa trồng bắp

Thử nghiệm giống mới
Mới đây, tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam và Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trồng bắp lai tại huyện Nông Sơn.
Mô hình trồng bắp lai được triển khai thử nghiệm trên diện tích một héc ta tại cánh đồng Khe Le, thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, với 2 giống bắp CP888 và CP333 - sản phẩm của Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam. Qua đánh giá cho thấy, giống CP888 có tiềm năng, năng suất cao hơn so với giống đối chứng, thời gian sinh trưởng dài hơn, thuộc nhóm giống trung ngày.
Giống bắp lai CP333 có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện sản xuất tại huyện Nông Sơn và hoàn toàn sinh trưởng, phát triển tốt trên chân đất lúa, đất bãi nà ven sông, nếu đầu tư thâm canh đúng mức sẽ đạt năng suất cao. Năng suất bình quân của 2 giống bắp CP888 và CP333 ước đạt 74 - 78 tạ/ha.
Quảng Nam hiện có khoảng 12 nghìn héc ta diện tích đất trồng bắp, phấn đấu mở rộng diện tích lên 20 nghìn héc ta vào năm 2020. Theo ông Trần Văn Tương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, để triển khai mô hình liên kết với doanh nghiệp, việc đầu tiên các địa phương phải làm là quy hoạch diện tích chuyển đổi, tối thiểu từ 5ha. Đồng thời có sự hỗ trợ về kết cấu hạ tầng để người dân đủ điều kiện sản xuất tập trung, như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp vào liên kết. |
Tham gia thử nghiệm mô hình, gia đình ông Nguyễn Văn Ban chuyển đổi 8 sào đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng các giống bắp lai CP888 và CP333. Theo ông Ban, mặc dù thời gian qua hạn hán kéo dài nhưng 2 giống bắp này sinh trưởng phát triển tốt, lá màu xanh đậm, cao cây, nhiều hạt.
Ông Ban khẳng định các giống bắp này thích ứng được với thời tiết khô hạn, dễ chăm sóc và cho năng suất cao hơn trồng lúa, bình quân đạt 70 tạ/ha, do đó gia đình ông và nhiều bà con trong xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tuy nhiên, ông Ban cũng cho rằng, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp hiệu quả hơn về năng suất, nhưng giá cả đầu ra của bắp thường bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái thu mua ở địa phương, trong khi người nông dân không nắm được giá bán thực ở trên thị trường như thế nào.
Cần sự liên kết
Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, thời gian qua với việc đưa vào trồng các giống bắp lai trên đất khô hạn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là tạo đầu ra ổn định.
Huyện chủ trương chuyển đổi khoảng 500ha diện tích đất lúa gặp khó khăn về nước tưới sang trồng bắp, và đến nay đã chuyển đổi được hơn 200ha, nâng tổng diện tích trồng bắp toàn huyện lên 610ha. “Chúng tôi đang xúc tiến tìm hiểu, liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ổn định đầu ra cho nông sản để người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng” – ông Hòa nói.
Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả do thiếu nước tưới sang cây trồng cạn mà trọng tâm là cây bắp cũng là hướng đi mà nhiều địa phương khác trong tỉnh đang triển khai. Dự kiến trong vụ hè thu này, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh phối hợp với huyện Thăng Bình và Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam xây dựng thí điểm cánh đồng mẫu lớn đối với cây bắp trên diện tích 30ha. Theo đó, phía công ty sẽ cung cấp giống bắp, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đưa cơ giới hóa trong làm đất, thu hoạch và sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá cả thỏa thuận giữa hai bên.
Ông Nguyễn Văn Thanh – đại diện Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam khu vực miền Trung cho biết, hiện nay công ty có một nhà máy chế biến thức ăn gia súc đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định, mỗi năm tiêu thụ 42 nghìn tấn bắp, nhưng nguồn nguyên liệu bắp ở khu vực miền Trung không đáp ứng đủ về số lượng cũng như chất lượng.
Theo ông Thanh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương đang diễn ra nhanh nhưng diện tích gieo trồng vẫn còn manh mún, nông dân trồng nhiều giống bắp khác nhau, trong khi đó khâu phơi sấy bảo quản không đúng kỹ thuật nên hạt bắp hay bị nấm mốc… Chính vì vậy, phía công ty đang đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất trồng bắp khép kín với các địa phương để có thể chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ cho nhà máy.
Có thể bạn quan tâm

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè (Tiền Giang), người đã có công lớn trong việc ươm mầm và nhân rộng giống mãng cầu xiêm Thái vốn có nhiều đặc tính nổi trội hơn so với giống mãng cầu xiêm thường (đơn tính) như: Năng suất cao, chất lượng trái ngon hơn.

Những năm trước, nông dân ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh chú trọng đưa cây dưa hấu mùa nghịch trên đất giồng cát để tăng thu nhập. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá dưa hấu bấp bênh, đầu ra không ổn định, nên một số nông dân ở đây chuyển đổi sang trồng củ cải trắng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập đáng kể cho nông dân trong mùa nghịch.
Vận động bà con nông dân đưa ruộng đất vào sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã được tỉnh nhà tích cực thực hiện.
Tại huyện Hồng Ngự, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết hợp với Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức hội thảo đánh giá thí nghiệm các giống lúa ngắn ngày, chịu nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Khoai lang là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên, trong thực tế những năm qua, người trồng khoai lang ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh vẫn không an tâm bởi giá đầu ra của loại nông sản này rất bấp bênh. Trong khi đó, địa phương chưa tìm ra được loại cây trồng nào thích hợp để thay thế cho cây khoai lang trong mùa vụ hiện nay.