Chuyện Làm Ăn Rủi Ro Cao... Thường Lời Lớn

Những ngày này, giá tôm tăng cao. Tại các đìa tôm ở Tuy Phong (Bình Thuận), thương lái mua tôm loại trung bình 100 con/kg, là 160.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với trước. Loại tôm lớn hơn, khoảng 60 con/kg hay 70 con/kg, thường có giá cao nên tỷ lệ tăng giá cũng nhiều hơn, đã qua 200.000 đồng/kg. Những ngày này, giá thanh long cũng rất cao, vượt qua mức 20.000 đồng, nếu có ngày sụt xuống thì cũng từ 19.000 - 20.000 đồng/kg.
Hai mặt hàng đều đang đối mặt với những dịch bệnh có tên, mà nếu xảy ra thì chỉ có nước bỏ đi. Nhà vườn thanh long, hiện ai chẳng lo bệnh đốm trắng xuất hiện. Ban đầu chỉ trên dăm ba cây nhưng chỉ trong dăm ba ngày, lan ra cả nghìn cây trong vườn.
Lúc này chỉ có nước đốn hết vườn, trồng lại nếu còn chút vốn liếng. Người nuôi tôm thì lo hơn, bởi tôm bị chết hàng loạt, chết cả đìa do con tôm quá khó nuôi, lại còn bị nhiều bệnh tấn công với những cái tên nghe rất sợ như “Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính”.
Năm 2013, tôm nuôi Bình Thuận cũng có bị dịch bệnh nhưng chỉ trên khoảng 33 ha, chiếm 2,6% tổng diện tích thả nuôi, khiến 110 ha khác phải thu hoạch sớm.
Nhìn chung, người nuôi tôm năm nay trúng lớn do nhiều lý do như: tinh nhạy trong phát hiện, biết cách khống chế bệnh, quá quen với biến động rủi ro của nghề… Có thể nói, trong mỗi người nuôi tôm đều có lá “gan sắt” nên dù vụ này, vụ kia có dịch bệnh, diện tích nuôi vẫn không vì thế mà teo lại.
Hơn thế, còn góp phần làm cho nghề nuôi tôm giống toàn tỉnh, tập trung nhất tại Tuy Phong, phát triển nhanh, giữ vững thương hiệu và sản lượng post bán ra ngày càng nhiều. Đến lượt, người nuôi tôm giống cũng gắng khắc chế rủi ro của con post, mà nổi bật gần đây là chuyện Công ty TNHH Việt Úc đã liên kết với một viện nghiên cứu ở nước ngoài sản xuất tôm giống bố mẹ tại Bình Thuận, vì mục đích cuối là tăng sức đề kháng của con post để ra ao, tôm nuôi kháng bệnh tốt.
Trên cây thanh long, dù bệnh đốm trắng chưa tìm được cách đặc trị nhưng nhà vườn có cách chăm sóc cây đủ sức không bị bệnh tấn công. Mùa này có gió Đông Bắc, không ít vùng thanh long bị sương muối nên hơi vàng. Nhiều nhà vườn chấp nhận màu vàng vàng ấy, vì cho rằng, nếu tưới sạch sương muối để dây có màu xanh non tơ thì dễ bị đốm trắng tấn công.
Chỉ là kinh nghiệm nhà nông, nhưng ít nhất cũng là một khắc chế, để có thanh long bán vào thời điểm giá cao. Những tin mừng từ hai cây, con trên trong năm nay như thêm một chứng minh cho thực tế về những ngành nghề có rủi ro cao, nhưng nếu biết khắc chế thì thường mang lại nguồn lợi lớn.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở NN và PTNT Đồng Tháp, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra từ đầu năm đến 5/7/2013 là 1.429,56 ha, bằng 71,48% kế hoạch năm và tăng 143,33 ha so với cùng kỳ năm trước. Đồng Tháp đã thu hoạch 526,22 ha với sản lượng 189.184 tấn. Tổng số lượng cá giống thả là 339,90 triệu con. Diện tích đang nuôi là 903,34 ha, diện tích treo ao là 40,7 ha.

Để thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm qua, từ nguồn vốn của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), người dân trong tỉnh còn được cấp miễn phí giống cà phê để “trẻ hóa” vườn cây. Tuy nhiên, qua thực tế cấp phát cho thấy, công tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, nơi mà việc triển khai còn mang tính hình thức đại trà, chiếu lệ.

Hội Nông dân xã Bình Phú (Châu Phú - An Giang) cho biết, vụ hè thu năm nay, xã Bình Phú có 27 hộ trồng lúa Nhật, với tổng diện tích trên 120 héc-ta, đạt năng suất bình quân trên 6,5 tấn/héc-ta. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Angimex - Kitoku mua với giá 8.400 đồng/kg lúa khô, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 30 - 35 triệu đồng/héc-ta.

Chỉ vì tin đồn thất thiệt “mít non nhúng thuốc Trung Quốc bán tràn lan ngoài thị trường” mà nhà vườn trồng mít ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và các địa phương lân cận phải lao đao vì giá giảm thê thảm, gây thiệt hại rất lớn.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng giá xăng dầu tăng 3 lần, hàng ngàn tàu cá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gặp khó. Chi phí nhiên liệu tăng cao nhưng tôm, cá, mực... lại mất giá; sau chuyến biển thu không đủ bù chi. Khoảng nửa tháng nay, nhiều chiếc tàu ra khơi cầm chừng.