Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyển Giao Mô Hình Sản Xuất Lúa VietGAP Cho Nông Dân

Chuyển Giao Mô Hình Sản Xuất Lúa VietGAP Cho Nông Dân
Ngày đăng: 24/10/2014

Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP được Bộ NN-PTNT triển khai từ năm 2008. Tại Phú Yên, mô hình này do thạc sĩ Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, làm chủ nhiệm dự án, đến nay đã chuyển giao kỹ thuật, quy trình sản xuất cho hàng trăm hộ nông dân.

Tại Phú Yên, mô hình sản xuất lúa VietGAP được thực hiện từ năm 2012, đến nay đã triển khai 4 mô hình tại huyện Tây Hòa, Phú Hòa. Mỗi vụ, mô hình sản xuất trên diện tích 10ha, giống lúa chất lượng cao, sạ hàng 6kg/sào (120kg/ha). Ruộng đối chứng 1.000m2, sử dụng giống lúa thương phẩm, sạ lan với lượng giống 10kg/sào (200kg/ha).

Theo đó, vụ đông xuân 2013 - 2014, tại xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP trên diện tích 5ha, sử dụng giống ML48 nguyên chủng, áp dụng phương pháp sạ hàng. Kết quả, năng suất lúa mô hình ước đạt trên 65,5 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa đối chứng 4 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng gần 2,6 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Thái, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ Tây, cho biết: “Trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải đảm bảo thời vụ gieo sạ, giống, sạ hàng; đồng thời thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Không chỉ giảm lượng lúa giống, chi phí phân bón mà thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm, nên mô hình này cho lợi nhuận cao hơn”.

Trước đó, vụ hè thu 2012, tại HTX Nông nghiệp Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP trên diện tích 5ha, với 36 hộ tham gia. Kết quả, năng suất lúa 71,2 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với ruộng đối chứng, lợi nhuận cũng cao hơn 4 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Long, xã viên HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2, cho biết: Tôi cùng nhiều xã viên trong HTX được chọn triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP. Thông qua mô hình sẽ giúp bà con xã viên tiếp cận phương pháp sạ hàng tiết kiệm giống, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm thiểu ảnh hưởng do dịch hại gây ra, tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu cấu thành năng suất…

Thạc sĩ Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chủ nhiệm đề tài mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP, cho biết: Trong thời gian triển khai mô hình, nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa.

Bà con chủ động thăm đồng, phòng trừ dịch hại, trao đổi với các cán bộ kỹ thuật và nông dân khác, mạnh dạn áp dụng các giải pháp kỹ thuật của mô hình cho diện tích lúa bên ngoài mô hình. Cũng theo ông Tuấn, trước đây nông dân thường dùng lúa thịt làm giống và sạ dày với lượng giống khoảng 10 đến 12 kg/sào (200 đến 240 kg/ha), do đó, cây lúa phát triển kém, đẻ nhánh rất ít, tốn phân bón nhiều, dịch hại phát sinh.

Khi triển khai mô hình, nông dân được hướng dẫn sử dụng giống nguyên chủng, kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa với lượng giống phù hợp, giúp tiết kiệm giống từ 80 đến120 kg/ha, cây lúa phát triển tốt. Từ mô hình này, gần 300 nông dân đã được chuyển giao kỹ thuật, quy trình sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên) nhận định: Những năm qua, mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ kết quả mô hình này, ngành Nông nghiệp sẽ mở rộng diện tích sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Chặt Bỏ Cây Cao Su, Hệ Quả Tất Yếu Của Việc Làm Ăn Theo 'Phong Trào' Ở Đác Nông Nông Dân Chặt Bỏ Cây Cao Su, Hệ Quả Tất Yếu Của Việc Làm Ăn Theo 'Phong Trào' Ở Đác Nông

Nhiều diện tích cao su ở xã Thuận Hạnh, huyện Đác Song đã 10 năm tuổi mà thân cây chỉ bằng cổ tay, không cho mủ nên bị người dân chặt bỏ hoặc bỏ hoang.

30/05/2013
Vui Buồn Nghề Thu Mua Tôm, Cua Ở Bạc Liêu Vui Buồn Nghề Thu Mua Tôm, Cua Ở Bạc Liêu

Ở vùng nông thôn, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Văn Phúc, một hộ nuôi tôm (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải - Bạc Liêu) nói: “Ở địa phương này, đường sá đi lại khó khăn, nên thương lái ít vào đây thu mua tôm, cua… Nếu không có người thu mua tôm, cua, người dân ở đây sẽ gặp khó khăn”.

11/04/2013
Sản Lượng Vải Thiều Chín Sớm Ở Bắc Giang Tăng Và Được Giá Sản Lượng Vải Thiều Chín Sớm Ở Bắc Giang Tăng Và Được Giá

Những ngày này, thị trấn Cao Thượng tràn ngập sắc đỏ đặc trưng của vải sớm Tân Yên. Dọc đường vào xã Phúc Hoà (nơi có diện tích vải sớm lớn nhất huyện, khoảng 350 ha) có hàng chục điểm cân vải. Nông dân chở vải từ các xã Phúc Hoà, Liên Sơn, Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung…

30/05/2013
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp

Ông Trịnh Minh Tấn (SN 1950, ngụ tổ 7, ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh) hiện đang nuôi 50 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng. Đây là mô hình chăn nuôi mới ở huyện Châu Thành đem lại thu nhập khá. Theo ông Tấn, bồ câu là giống sinh sản nhanh (ấp 18 ngày là trứng nở), ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế lại cao.

11/04/2013
Kiểm Tra Khổ Qua, Rau Ngót Kiểm Tra Khổ Qua, Rau Ngót

Trước nhu cầu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật gia tăng trong dịp hè 2013, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai ngay đợt lấy mẫu rau ngót trên địa bàn Hà Nội khổ qua ở TPHCM để kiểm tra bổ sung các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

31/05/2013