Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thu nhập cho nông dân

Mô hình trồng chuối tiêu hồng ở xã Vĩnh Quang.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, huyện Vĩnh Thạnh đã tăng cường vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Tại các xã ở vùng cao như Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, huyện chủ trương chuyển đổi một số diện tích cây điều kém hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu giấy, như keo, bạch đàn để tăng hiệu quả kinh tế; đến nay đã chuyển đổi 576 ha điều sang trồng keo lai.
Tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, chương trình trồng rừng với các loại cây keo, bời lời..., bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Đinh Văn Reo ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, cho biết: “Nhờ trồng 3 ha bời lời mà gia đình tui đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Năm 2014, thu hoạch lứa đầu tiên được 180 triệu đồng, cuối năm nay diện tích trên tiếp tục cho thu hoạch”.
Hiện diện tích bời lời của xã Vĩnh Sơn khoảng gần 400 ha. Ngoài ra, hiện có khá nhiều hộ dân ở xã vùng cao Vĩnh Sơn đưa vào trồng các loại rau hoa ôn đới như súp lơ, su hào, bắp cải, hoa đồng tiền, lyli, lay ơn…
Tại các xã vùng thấp như Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng phát triển khá mạnh. Từ mô hình rau an toàn ở Định Trường - xã Vĩnh Quang, đến nay đã có hàng trăm hộ dân ở xã Vĩnh Quang và Vĩnh Hòa mở rộng diện tích trồng rau an toàn với các loại cây trồng như ớt, khổ qua, dưa leo, đậu cô ve, kiệu…
Đặc biệt là cây ớt trong mấy năm gần đây luôn cho thu nhập ổn định từ 50 đến 70 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình trồng chuối tiêu hồng tại thôn Định Trường cho thu nhập ổn định 40 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.
Tại xã Vĩnh Thuận, người dân mở rộng diện tích trồng dưa hấu, bí đỏ, bắp lai trên đất nà dọc sông suối; sản xuất cây đậu đen, đậu xanh cao sản trên đất nương rẫy... Mức thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/ha trong chu kỳ sản xuất 3 tháng ở Vĩnh Thuận không còn là điều mới mẻ.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người dân, huyện Vĩnh Thạnh cũng chủ trương hạn chế trồng cây keo trên những vùng đất bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Số diện tích này được chuyển sang trồng rau màu như đậu phụng, đậu xanh, ớt, dưa, bí…, tạo nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên hơn.
Ông Nguyễn Hữu Xuân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên kinh tế nông nghiệp có những chuyển biến tích cực.
Huyện đã tổ chức nhiều đợt tham quan để nông dân học hỏi kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, đưa các loại cây con, giống mới vào sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi.
Huyện còn lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông… tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất.
Ông Lê Văn Đẩu - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Kết quả rõ nét nhất của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương không chỉ là nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn hình thành các vùng chuyên canh phù hợp.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch các loại cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tập trung các cây chủ đạo lúa, bắp, đậu..., đồng thời quan tâm phát triển các loại cây rau quả thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, hình thành vùng sản xuất hàng hóa..
Có thể bạn quan tâm

Với mục tiêu thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, nhân rộng giống cá đặc sản trên địa bàn, gần đây tỉnh ta đã đầu tư nhiều chương trình dự án nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân..

Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang vừa tổ chức xét duyệt đề tài “Tuyển chọn giống cá thát lát còm bố mẹ bằng nguồn tự nhiên nhiều nơi khác nhau” do ông Phan Quốc Thứ, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang làm chủ nhiệm.

Vụ mùa năm 2013, huyện Ý Yên xây dựng kế hoạch gieo trồng 13.650ha lúa, 330ha lạc hè thu, rau màu và cây trồng khác 450ha. Để tránh xảy ra hiện tượng bị úng, hạn làm ảnh hưởng đến sản xuất và cây trồng trong vụ mùa, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn chủ động các biện pháp chống úng và tích cực, linh hoạt trong công tác chống hạn với phương châm: cao, xa tưới trước; thấp, gần tưới sau, tập trung tưới nhanh gọn và đủ.

Nuôi tôm không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn phải bền vững - đó chính là mục tiêu đặt ra cho vụ tôm 2013 của tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tập trung phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trên cát, đồng thời chú trọng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho tôm.

Với bản tính cần cù, chịu khó, cựu chiến binh Ngô Đình Sáu (thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi bồ câu thương phẩm.