Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phước Sơn cách chuyển hiệu quả

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phước Sơn cách chuyển hiệu quả
Ngày đăng: 17/06/2015

Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra, huyện Phước Sơn vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây trồng thế mạnh để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Theo đó, địa phương chuyển đổi những diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng bắp tại xã Phước Xuân và Phước Hiệp. Vụ đông xuân vừa qua, các địa phương này đã trồng hơn 10ha bắp, năng suất đạt 70 tạ/ha, giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với trồng lúa nước. Sau thành công của vụ đông xuân, vụ hè thu này, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, người dân ở các xã có ruộng lúa thiếu nước của huyện đã mở rộng diện tích trồng bắp lên khoảng hơn 100ha. Ngoài ra, nông dân còn trồng khoảng 195ha sắn xen canh với lúa rẫy cũng đem lại thu nhập đáng kể.

Tại các xã ở vùng trung và thấp như Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Đức, huyện chủ trương chuyển đổi một số diện tích trồng keo sang trồng bời lời. Ông Hồ Văn Dẻo (thôn 3, Phước Năng) cho biết: “Nhờ 2ha trồng bời lời mà gia đình thoát khỏi hộ nghèo. Năm 2013, gia đình thu hoạch lứa đầu tiên được 80 triệu đồng, cuối năm nay diện tích trên tiếp tục cho thu hoạch. Đầu ra ổn định, do vậy hiệu quả của cây bời lời cao hơn cây keo nhiều”. Hiện diện tích bời lời của huyện Phước Sơn khoảng hơn 300ha, dự tích đến năm 2017 sẽ mở rộng thêm 1.000ha nữa. Vùng cao tiếp tục trồng thêm diện tích quế và mở rộng trồng cây dược liệu như sâm dây, sâm bảy lá hoa…

Ngoài trồng bắp và phát triển kinh tế rừng, huyện Phước Sơn cũng chủ trương cho người dân hạn chế trồng cây keo trên những vùng đất bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Số diện tích này được chuyển sang trồng rau màu như đậu phụng, đậu xanh, ớt, dưa, bí…, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên hơn.

Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên kinh tế nông nghiệp có những chuyển biến tích cực. Huyện đã tổ chức nhiều đợt tham quan để nông dân học hỏi kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các cây con, giống mới vào sản xuất.

Nhờ vậy nhiều hộ nông dân đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, địa phương còn lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất.

“Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phước Sơn đang có những hướng đi tích cực, giúp nông dân cải thiện thu nhập từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo tại địa phương” – ông Phiếm nói.


Có thể bạn quan tâm

Tăng Cường Kiểm Tra Củ Quả Tươi Nhập Khẩu Tăng Cường Kiểm Tra Củ Quả Tươi Nhập Khẩu

Ngoài củ quả tươi thì cây và các bộ phận còn sống của cây; cỏ và hạt cỏ; sinh vật có ích sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và thực vật nhập khẩu cũng là những nhóm phải phân tích nguy cơ dịch hại. Trừ trường hợp dùng để phục vụ nghiên cứu khoa học thì sẽ được miễn phân tích.

18/09/2014
Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ

Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, tuy hình thành muộn nhưng có tốc độ phát triển nhanh. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện số lượng tàu khai thác cá ngừ trên cả nước có khoảng 3.600 chiếc. Tổng số lao động tham gia khai thác cá ngừ khoảng 35.000 người. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, EU và Nhật Bản.

18/09/2014
Tôm Hùm Thương Phẩm Được Giá Tôm Hùm Thương Phẩm Được Giá

Hiện giá tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đang lên cao trở lại. Hiện tại, tôm thịt loại I có giá từ 1,6– 1,7 triệu đồng/kg; tôm thịt loại II có giá từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/kg.

18/09/2014
Mô Hình Trồng Lúa Theo Kỹ Thuật SRI Cho Năng Suất Cao Mô Hình Trồng Lúa Theo Kỹ Thuật SRI Cho Năng Suất Cao

Tham gia thực hiện mô hình trồng lúa theo kỹ thuật SRI có 70 hộ với 6,8ha ở xã Yên Khê. Trên diện tích này bà con trồng giống lúa Thiên Nguyên ưu 16 với cách bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn khoa học của các ngành chức năng.

18/09/2014
Hiệu Quả Từ Tổ Hợp Tác Nuôi Tôm Hiệu Quả Từ Tổ Hợp Tác Nuôi Tôm

Được thành lập và đi vào hoạt động chỉ vài năm qua, nhưng các tổ kinh tế hợp tác (KTHT) nuôi tôm tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc (Long An) đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Không những giúp cho các thành viên trong tổ có sự liên kết trong nuôi tôm mà còn tạo thêm việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

19/09/2014