Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng đi hiệu quả

Tại Khánh Sơn, sản xuất nông - lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thời kỳ mới tái lập huyện, sản xuất tại đây chỉ với quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Trước những năm 2000, các loại cây trồng ở Khánh Sơn chủ yếu là bắp, mì, lúa rẫy và một số loại cây công nghiệp giá trị kinh tế thấp do người dân trồng tự phát. Bà con dân tộc thiểu số vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu “đốt, phát, chọc, tỉa”, du canh du cư.
Ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đến giai đoạn 2001 - 2005, huyện đã đề ra chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bắt đầu đi tìm lời giải cho câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Trước hết là tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển vườn nhà, vườn rừng. Đồng thời, thực hiện chương trình phát triển cây lúa nước, phát triển đàn bò. Giai đoạn 2005 - 2010, huyện triển khai các đề án phát triển cây mít nghệ, sầu riêng. Cùng với đó, các ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi”.
Từ năm 2010 đến nay, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, Khánh Sơn đã xác định được các loại cây trồng chủ lực là sầu riêng, mía tím. Bên cạnh đó, một số loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, chôm chôm, măng cụt cũng đã khẳng định hiệu quả kinh tế trên mảnh đất này. Chuyện thu nhập cả tỷ đồng/ha mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp không còn hiếm ở Khánh Sơn. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thu lãi hàng chục triệu đồng 1 sào đất canh tác đã trở thành phổ biến tại các xã, thị trấn.
Đến năm 2015, toàn huyện đã phát triển được khoảng 1.800ha sầu riêng, mía tím, mít nghệ, cà phê, chôm chôm, hồ tiêu, măng cụt và gần 2.000ha rừng trồng. Cùng với việc chuyển đổi diện tích, các ngành chuyên môn đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng cây trồng. Nhiều hộ nông dân đã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm nâng cao năng suất lao động. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành tựu nổi bật trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương là sầu riêng Khánh Sơn - nông sản đầu tiên của Khánh Hòa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền trên thị trường. Hiện nay, các ngành liên quan cũng đang tiến hành các bước xây dựng thương hiệu mía tím Khánh Sơn.
Theo ông Mấu Thái Cư, để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thâm canh diện tích lúa nước hai vụ thuận tiện về nguồn nước, thu hẹp và chuyển đổi những khu vực thiếu nước sang trồng rau màu hoặc cây công nghiệp, cây ăn quả. Đối với những loại cây như: sầu riêng, mía tím, cà phê... huyện sẽ tiến hành cải tạo nguồn giống đã thoái hóa, tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đưa vào trồng thí điểm một số loại cây trồng mới như: mắc ca, bơ bút... nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nếu năm 2004, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện chỉ đạt 22 tỷ đồng thì đến năm 2014 đã tăng lên 126 tỷ đồng. Kết quả này đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân địa phương. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 17% (so với 40% năm 2010).
Có thể bạn quan tâm

Những tháng cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm yếu; đây cũng là thời điểm hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra sôi động nên dịch bệnh rất dễ xảy ra. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, từ năm 2006, Lâm trường Lang Chánh được chuyển thành Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Lang Chánh (gọi tắt là BQL) với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích 8.850,08 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó có 3.936,838 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ).

Tỉnh ta xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực ở 11 huyện miền núi. Từ Nghị định 02 về giao đất, giao rừng đến các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; trồng rừng sản xuất 661, 147, rừng gỗ lớn... đã cho thấy bước chuyển mạnh mẽ của nghề rừng ở xứ Thanh.

Đặc biệt, mô hình cải tạo vườn tạp trồng cam, chanh và cây mắc ca, quy mô 4,2 ha tại 2 thôn Hang Cáu và Quạn (xã Vạn Xuân), với 65 hộ dân tham gia đã hoàn thành. Có 933 hộ dân ở các xã tham gia chương trình cải tạo vườn tạp. Khi tham gia, các hộ dân đã được cán bộ khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng tại vườn nhà.

Ngày 14.11, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết Thái Lan là quốc gia thứ 6 đồng ý bảo hộ nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột (Buonmathuot Coffee), cùng 5 nước trước đó là Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg.