Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng đi hiệu quả

Tại Khánh Sơn, sản xuất nông - lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thời kỳ mới tái lập huyện, sản xuất tại đây chỉ với quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Trước những năm 2000, các loại cây trồng ở Khánh Sơn chủ yếu là bắp, mì, lúa rẫy và một số loại cây công nghiệp giá trị kinh tế thấp do người dân trồng tự phát. Bà con dân tộc thiểu số vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu “đốt, phát, chọc, tỉa”, du canh du cư.
Ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đến giai đoạn 2001 - 2005, huyện đã đề ra chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bắt đầu đi tìm lời giải cho câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Trước hết là tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển vườn nhà, vườn rừng. Đồng thời, thực hiện chương trình phát triển cây lúa nước, phát triển đàn bò. Giai đoạn 2005 - 2010, huyện triển khai các đề án phát triển cây mít nghệ, sầu riêng. Cùng với đó, các ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi”.
Từ năm 2010 đến nay, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, Khánh Sơn đã xác định được các loại cây trồng chủ lực là sầu riêng, mía tím. Bên cạnh đó, một số loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, chôm chôm, măng cụt cũng đã khẳng định hiệu quả kinh tế trên mảnh đất này. Chuyện thu nhập cả tỷ đồng/ha mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp không còn hiếm ở Khánh Sơn. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thu lãi hàng chục triệu đồng 1 sào đất canh tác đã trở thành phổ biến tại các xã, thị trấn.
Đến năm 2015, toàn huyện đã phát triển được khoảng 1.800ha sầu riêng, mía tím, mít nghệ, cà phê, chôm chôm, hồ tiêu, măng cụt và gần 2.000ha rừng trồng. Cùng với việc chuyển đổi diện tích, các ngành chuyên môn đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng cây trồng. Nhiều hộ nông dân đã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm nâng cao năng suất lao động. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thành tựu nổi bật trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương là sầu riêng Khánh Sơn - nông sản đầu tiên của Khánh Hòa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền trên thị trường. Hiện nay, các ngành liên quan cũng đang tiến hành các bước xây dựng thương hiệu mía tím Khánh Sơn.
Theo ông Mấu Thái Cư, để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thâm canh diện tích lúa nước hai vụ thuận tiện về nguồn nước, thu hẹp và chuyển đổi những khu vực thiếu nước sang trồng rau màu hoặc cây công nghiệp, cây ăn quả. Đối với những loại cây như: sầu riêng, mía tím, cà phê... huyện sẽ tiến hành cải tạo nguồn giống đã thoái hóa, tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đưa vào trồng thí điểm một số loại cây trồng mới như: mắc ca, bơ bút... nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nếu năm 2004, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện chỉ đạt 22 tỷ đồng thì đến năm 2014 đã tăng lên 126 tỷ đồng. Kết quả này đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân địa phương. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 17% (so với 40% năm 2010).
Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" cho 62 nông dân tiên tiến trong cả nước. Trong số 62 nông dân được bình chọn và tôn vinh, người cao tuổi nhất là nông dân Trần Xuân Vịnh (70 tuổi) ở xã Đăk Hrinh, huyện Đắk Hà, Lâm Đồng; người trẻ tuổi nhất, đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc - anh Vũ Trung Học, nông dân xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường - nhận danh hiệu khi tròn 34 tuổi.

Đến thăm khu chăn nuôi tập chung tại thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương với tổng diện tích 36,5ha đồi, một trong những khu chăn nuôi tập chung lớn của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ nơi đây, các chủ trang trại đã có nhiều sáng tạo để cải tiến phương pháp chăn nuôi, trong đó phải nói đến “biện pháp chống nắng nóng cho chuồng nuôi bằng cây sắn dây” của ông Nguyễn Bác Ái.

Vừa qua, UBND huyện Yên Thế đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi giống gà thịt Ri lai (J.DaBaCo) do Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco cung ứng đợt I tại các xã Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng.

Hơn 10 năm trước, bà con nơi đây cấy lúa trên những chân đất với năng suất rất thấp, có những năm còn mất trắng nên đã cùng nhau chuyển đổi sang trồng kim tiền thảo. Anh Vũ Văn Mến, thôn Dùm cho biết: "Thấy cây kim tiền thảo mọc ở các bờ rào, bụi rậm, biết là cây thuốc, chúng tôi nhổ về trồng rồi tự nhân giống ở vườn nhà. Sau một vài vụ cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mở rộng diện tích”. Ban đầu anh Mến trồng 3 sào, chăm sóc cẩn thận, sau hơn 3 tháng mỗi sào cho thu hoạch 7-8 tạ cây tươi, phơi khô còn 3 tạ, anh phải lặn lội sang tỉnh bạn tìm thương lái để bán.

Với ưu điểm nổi bật là ra được quả vào thời điểm trái vụ, năng suất cao, ổi lai lê Đài Loan trái vụ được trồng tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang khẳng định là giống cây ăn quả mới, cho hiệu quả kinh tế cao và có khả năng phát triển tốt tại địa phương.