Chuyển Đổi Cây Trồng Trên Đất Vườn Và Gò Đồi Hy Vọng Mới Ở Giống Cây Cũ

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, thung lũng và các vực sông xen kẽ, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ngoài cây lúa nước, dứa còn là loại cây rất quen thuộc, gắn bó lâu đời với tập tục canh tác của đồng bào Hrê ở Ba Tơ.
Trước đây, cây dứa được trồng phổ biến khắp các thôn làng. Tuy nhiên, sự “hấp dẫn” của cây keo đã khiến diện tích dứa ở Ba Tơ ngày càng bị thu hẹp dần.
Cây thế mạnh bị... thất thế
Nhiều năm trước đây, dứa là loại cây quen thuộc trong các khu vườn của người dân Ba Tơ, nhất là đồng bào Hrê. Dứa từng được coi là giống cây thế mạnh của địa phương. Trái dứa xuất hiện trong các phiên chợ của người dân, dùng làm bán buôn, trao đổi hàng hóa...
Không chỉ có giá trị về kinh tế, cây dứa còn gắn bó lâu đời với thói quen canh tác của người dân vùng đất này. Khi cây keo nguyên liệu xuất hiện, mang lại thu nhập cao khiến bà con ồ ạt trồng keo, kéo theo diện tích trồng dứa ngày càng bị thu hẹp.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết, nguyên nhân khiến trái dứa không còn được chuộng ở địa phương nữa là do chất lượng giống thoái hóa. Người dân bỏ lâu không chăm sóc, không trồng lại giống mới dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém, trái có vị chua...
Nỗ lực phục hồi
Theo ông Nguyễn Thanh Hiệp, quả dứa chứa rất nhiều vitamin C, B1, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Đây là loại cây “dễ tính”, sinh trưởng nhanh, không kén đất trồng, chịu được hạn, phù hợp với đất đai và khí hậu của vùng núi Ba Tơ. Thời gian qua, Trạm Khuyến nông Ba Tơ đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình “cải tạo vườn tạp”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vườn và gò đồi.
Mô hình nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi còn nhiều khó khăn. Trong đó, Trạm Khuyến nông đã thực hiện tại hai xã Ba Chùa, Ba Động với quy mô 8.500m2 để trồng dứa giống Queen và giống Cayen với số lượng hơn 3.300 chồi, ngoài ra còn trồng xen chuối và mít ruột đỏ quanh vườn.
Anh Phạm Văn Minh ở thôn Gò Ghèm, xã Ba Chùa cho biết, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ 150 chồi dứa cùng 27 gốc chuối và 5 cây mít để anh trồng. Anh Minh hy vọng lần xuống giống này sẽ thành công, vì giống cây này đã từng quen thuộc với vùng đất nơi đây, dễ chăm sóc, không cần cải tạo đất, nhanh thu hoạch. Hộ chị Phạm Thị Đêu cũng là một trong những hộ tiên phong trong việc trồng dứa, gia đình chị vừa trồng 100 chồi dứa, 28 gốc chuối, 5 cây mít trong vườn nhà.
Tuy những hộ tham gia mô hình lần này rất hồ hởi với việc trồng dứa, nhưng một trong những điều khiến người dân không khỏi băn khoăn là đầu ra của sản phẩm. Cùng với nỗi lo này của người dân, ông Phạm Văn Kani - Chủ tịch UBND xã Ba Chùa (Ba Tơ) cho biết, thuận lợi đó là điều kiện thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với việc trồng dứa, nhưng phải tính đến hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân. Nhất là tìm đầu ra ổn định cho trái dứa, để người dân yên tâm trồng trọt. Bởi bên cạnh mục đích hiệu quả kinh tế, việc trồng lại cây dứa còn là nỗ lực phục hồi giống cây quen thuộc của địa phương.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/chuyen-doi-cay-trong-tren-dat-vuon-va-go-doi-hy-vong-moi-o-giong-cay-cu-2358787/
Có thể bạn quan tâm

Sản xuất nông nghiệp vụ xuân thường phải đối phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng dòng chảy trên các triền sông, suối thuộc địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm với lượng thiếu hụt khoảng 10-20%.

Sáng 11/12, Sở Công thương Bắc Kạn phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng "Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình" cho 151 học viên là các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Na Rì là huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn của tỉnh với khoảng 455ha. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dong riềng. Mặc dù so với năm 2013, diện tích trồng dong của huyện có giảm nhưng lại là vụ thắng lợi đối với người trồng dong bởi củ dong vừa được mùa lại vừa được giá.

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những ngày này không khí ở xóm Minh Hồ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) náo nhiệt hẳn lên, bởi bà con đang bước vào mùa thu hoạch cam với niềm vui được mùa. Khắp các vườn trong xóm, xung quanh nhà, đâu đâu cũng thấy màu vàng chín rộ của những vườn cam quả trĩu cành.