Chuyến điền dã của chú Hai

Vừa qua, nhân dịp về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đến thăm HTX Bưởi Kế Thành (huyện Kế Sách).
Cùng đi với nguyên Phó Thủ tướng có lãnh đạo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Kế Sách và các đơn vị liên quan.
Dù đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nguyên Phó Thủ tướng, chúng tôi gọi thân mật là chú Hai, vẫn đi thăm cả khu vườn rộng hơn 1 ha của “vua bưởi” da xanh Đặng Văn Nám.
Từ những liếp bưởi mới cho trái chín đến khu vườn bưởi đang độ sung sức cho trái “hái ra tiền” đều có dấu chân chú Hai.
Dừng lại nhiều lần ở những gốc bưởi điển hình cho từng độ tuổi, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển để quan sát và thảo luận với nhà vườn trong HTX, chú Hai quan tâm đến tất cả các yếu tố trong kỹ thuật canh tác như cách nhân giống, mật độ trồng, bón phân, xử lý ra hoa rải vụ, tỉa trái, phòng trừ sâu bệnh, quản lý cỏ… trong điều kiện đất đai ở Kế Thành.
Ông hỏi và hào hứng trao đổi rất tỉ mỉ với các nhà vườn trong HTX từng biện pháp canh tác cây bưởi da xanh và đặc biệt quan tâm đến cách ghép bưởi da xanh trên gốc ghép Tám Quy để có cây giống khỏe của HTX.
Cuộc trao đổi thật thú vị vì hơn 3 năm qua chú Hai đã trực tiếp trồng, chăm sóc khu vườn bưởi da xanh của mình ở Bến Tre nên đã có nhiều kinh nghiệm SX như một nhà vườn lão luyện!
Được biết, trồng cây ăn trái, nhất là cây bưởi da xanh là sở thích và thú vui của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.
Vườn bưởi da xanh hơn 3 năm tuổi của ông ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) luôn xanh tốt và nặng trĩu quả không thua kém bất cứ nhà vườn chuyên nghiệp nào.
Chú Hai cũng ghé thăm “lâu đài bưởi” đang được xây dựng của giám đốc HTX Bưởi Kế Thành. Từ tầng cao của tòa nhà, chú Hai đã quan sát tổng quát về quy mô, tình hình phát triển và hiệu quả của SX cây bưởi để có góp ý chung cho HTX.
Trong buổi trò chuyện với các thành viên trong HTX, chú Hai khen ngợi sự siêng năng, sáng tạo và thành công của bà con nhà vườn trong HTX.
Nguyên Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền và ngành nông nghiệp tiếp tục đồng hành cùng bà con nhà vườn để đưa bưởi Kế Thành phát triển mạnh hơn, vươn đến thị trường xa hơn nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn để có nhiều “tỷ phú bưởi” và “lâu đài bưởi” xuất hiện ở vùng quê tươi đẹp này.
Nguyên Phó Thủ tướng cũng khuyến cáo nhà vườn không nên tự mãn với thành quả đã đạt được mà phải không ngừng quan sát, tích lũy kinh nghiệm cũng như học hỏi từ các nhà khoa học, nhà vườn khác về kỹ thuật trồng bưởi.
Chú Hai tình nguyện làm cầu nối để nhà vườn trồng bưởi ở Kế Thành nói riêng, Kế Sách nói chung, đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với những “địa chỉ xanh”, nhà vườn trồng bưởi da xanh nổi tiếng của Bến Tre như các ông Hai Hoa, Ba Rô… để nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng đặc sản bưởi da xanh của Nam bộ.
Chú Hai tâm sự, vui thú điền viên vốn là mơ ước của ông từ lâu. Từ ngày về hưu ông cũng chẳng ở không, ngày nào ở nhà thì từ sáng sớm cho tới tận 5 giờ chiều ông luôn tay bận rộn với công việc làm vườn. Ông cười sảng khoái và trải lòng “làm vườn tuy cực mà vui” và thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn.
Có thể bạn quan tâm

Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Thạnh Tân bước đầu có 9 hộ nông dân tham gia, với diện tích đất trồng mãng cầu là 74.000 mét vuông. Tổ hoạt động trên cơ sở liên kết nhiều hộ nông dân có diện tích đất sản xuất liền canh, liền khu vực, tự quản lý sản xuất, tự chịu trách nhiệm.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2014, mối liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là trong ngành hàng lúa gạo đã đạt được những thành quả rõ nét hơn so với cùng kỳ 2013.

Mới đây, bà đã mạnh dạn xây dựng xưởng sơ chế, bảo quản cấp đông sản phẩm chanh dây phục vụ cho các công ty trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm chanh dây của HTX đã xuất khẩu đến thị trường Đài Loan, Hàn Quốc…và đầu năm 2014 được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong số 150 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Theo ông Đinh Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Đà thì Tổ hợp tác trồng rau an toàn là nơi để các hộ chuyên trồng rau ở địa bàn xã có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau.

Giống trâu Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ, được nhập vào nước ta từ năm 1958. Việc phát triển đàn trâu Murrah với mục tiêu ban đầu chỉ để lấy sữa xem ra không còn phù hợp. Chương trình nghiên cứu lai tạo trâu đực Murrah với trâu cái nội thành công đã mở ra hướng đi chiến lược trong việc cải thiện chất lượng đàn trâu Việt Nam.