Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyên canh khoai sọ tía trên đất Lục Nam

Chuyên canh khoai sọ tía trên đất Lục Nam
Ngày đăng: 02/07/2015

Thu tiền triệu trên chân ruộng cao

Trên đồng ruộng xã Yên Sơn thời điểm này, nông dân đang tất bật thu hoạch khoai sọ để chuẩn bị gieo cấy lúa mùa và tiếp tục trồng vụ mới. Ven đường, nhiều xe ô tô tải xếp hàng thu mua khoai mang đi các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và thành phố Hà Nội, Hải Phòng… Gia đình anh Dương Văn Hân trồng 3 sào, đến nay đã thu xong một nửa được 1,2 tấn củ, với giá 12 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 10 triệu đồng.

Cạnh ruộng nhà anh Hân, gia đình anh Bùi Văn Hạ cũng đang dỡ khoai sọ để kịp cân ngay đầu bờ cho thương lái. Anh Hạ có kinh nghiệm trồng khoai sọ đã hơn 10 năm. Năm đầu anh chỉ trồng vài thước, sau khi thu hoạch thấy hiệu quả nên chuyển đổi toàn bộ 5 sào ruộng vàn cao sang canh tác giống cây này. Năng suất khoai vụ này của gia đình anh đạt 9 tạ/sào, ước thu lãi 35 triệu đồng.

Trên các cánh đồng xã Khám Lạng, nông dân cũng đang hối hả vào vụ thu hoạch. Theo anh Lê Đức Dũng, thôn Hòa Nội, 3 năm nay, nhà anh chuyển từ giống khoai dọc trắng sang trồng khoai dọc tía do năng suất và giá bán cao hơn hẳn. Năm nay, thời tiết thuận lợi, khoai sọ được mùa hơn những vụ trước. Thu hoạch đến đâu chỉ cần làm sạch rễ và đất là được các thương lái cân hết đến đó. Anh vừa thuê thêm hai sào ruộng của người hàng xóm để tiếp tục trồng khoai vụ tới.

Mới bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng nhiều thương lái đã về thu mua với số lượng lớn. Anh Nguyễn Văn San, thương nhân ở Lạng Sơn đến cân khoai sọ tại thôn Quyết Tiến, xã Yên Sơn được một tuần nay, mỗi ngày anh thu mua khoảng 5 tấn. Ông Lê Huân Đăng, thôn Đồng, xã Khám Lạng (chuyên thu mua nông sản) cho biết một phần khoai sọ được gom đóng xe tải lớn xuất sang Trung Quốc, một phần tiêu dùng nội địa trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình, nhà hàng và dùng làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo.

Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, giống khoai sọ dọc tía cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít bị sâu bệnh, ăn có mùi thơm, bở, vị ngọt nên được thương lái ưa chuộng. Muốn sai củ, khi trồng làm luống cao, rãnh rộng để dễ thoát nước. Trong quá trình chăm sóc bón nhiều phân chuồng và kali để củ chắc, to đều, năng suất cao. Một sào khoai sọ chi phí từ 1 - 1,2 triệu đồng, năng suất từ 7 - 9 tạ. Trước khi thu hoạch một tháng ngừng tưới nước, cắt bỏ bớt dọc lá để tập trung dinh dưỡng nuôi củ, tiện cho thu hoạch.

Nhân rộng những cánh đồng mẫu

Theo ông Lương Thế Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện có hơn 13 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất chính là hai vụ lúa và một vụ ràu màu.

Nông dân thu hoạch khoai sọ tía.

Hằng năm, để nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác, huyện khuyến khích người dân đưa nhiều loại cây trồng mới vào sản xuất; chỉ đạo bà con chuyển những cây trồng kém hiệu quả và diện tích chân ruộng cao cấy lúa không ăn chắc sang canh tác khoai sọ tía. Phòng phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai cho nông dân. Khoai sọ tía được trồng 2 vụ mỗi năm (vụ xuân từ tháng 1 đến tháng 6; vụ mùa từ tháng 6 đến tháng 12 dương lịch) và là cây trồng mũi nhọn của nông dân các xã: Yên Sơn, Nghĩa Phương, Khám Lạng, Bảo Đài, Bảo Sơn, Bắc Lũng.

Năm nay toàn huyện trồng 600 ha khoai sọ (tăng gần 50 ha so với năm trước). Riêng vụ xuân có hơn 300 ha, sản lượng đạt gần 6 nghìn tấn, ước thu hơn 80 tỷ đồng.

Điểm mới trong sản xuất của các xã là đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu chuyên canh với diện tích từ 10 - 30 ha. Ví như ở xã Khám Lạng, cánh đồng mẫu trồng khoai sọ tại thôn Bến, Hòa Nội cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/vụ. Việc đưa loại cây này vào trồng tập trung giúp quá trình sản xuất, tiêu thụ thuận lợi hơn. Xã có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần giá giống hoặc vật tư cho nông dân. Hiện nay, xã Bảo Đài, Bắc Lũng cũng bắt đầu đưa khoai sọ vào sản xuất trên cánh đồng mẫu.

"Toàn xã có 80 ha khoai sọ, tăng 10 ha so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở các thôn như: Hòa Nội, Chùa, Bến… ước mỗi năm thu lãi 12 tỷ đồng. Vụ tới, UBND xã tiếp tục chỉ đạo bà con mở rộng diện tích sản xuất” - Ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch UBND xã Khám Lạng.


Có thể bạn quan tâm

Ổi “Siêu Sạch” Ở Quảng Khê Ổi “Siêu Sạch” Ở Quảng Khê

Từ năm 2010, anh Trần Tấn Tâm, trú tại thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong - Đắc Nông) đã mạnh dạn đầu tư, đưa giống ổi Trân Châu vào trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

21/06/2013
Cá Rô Phi Lai Xa Cho Thu Lãi 35 - 40 Triệu Đồng/ha Ở Hải Dương Cá Rô Phi Lai Xa Cho Thu Lãi 35 - 40 Triệu Đồng/ha Ở Hải Dương

Ngày 2-10, tại xã Tứ Cường (Thanh Miện, Hải Dương), Trung tâm Ứng dụng thiết bị khoa học (Sở Khoa học và công nghệ) đã tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Biof xử lý môi trường ao nuôi cá rô phi lai xa. Tham gia mô hình có 31 hộ ở 3 xã: Tứ Cường (Thanh Miện), Hồng Thái (Ninh Giang), Thất Hùng (Kinh Môn) với tổng diện tích mặt nước 11 ha.

05/10/2012
Cho Cá Tra Ăn Gián Đoạn Để Giảm Chi Phí Cho Cá Tra Ăn Gián Đoạn Để Giảm Chi Phí

Cá tra Việt Nam vừa tăng lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thủy sản yêu thích tại Mỹ nhưng người nuôi cá chưa hết lao đao. Phương pháp cho ăn gián đoạn đang được khuyến cáo để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này...

07/10/2012
Người Đi Đầu Trong Áp Dụng Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Ở Hà Nam Người Đi Đầu Trong Áp Dụng Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Ở Hà Nam

Đó là ông Nguyễn Tác Tân - Trưởng thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông Tân đã bàn bạc với 134 hộ nông dân trong thôn Vị Hạ xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa". Mô hình có quy mô diện tích 26 ha.

21/06/2013
Nuôi Ba Ba Thu Lợi Nhuận Cao Nuôi Ba Ba Thu Lợi Nhuận Cao

Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành – An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…

08/05/2013