Chuyện 12 Con Dê Đi Lạc

Một chuyện tuy nhỏ, xảy ra ở Thanh Hóa, nhưng đang gây xôn xao dư luận trong những ngày này, được báo chí hết sức quan tâm.
Số là để thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các huyện miền núi, thị xã Bỉm Sơn và huyện Thạch Thành có ký kết một chương trình kết nghĩa.
Sau đó, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho UBND huyện Thạch Thành 24 con dê giống, để cấp cho 6 hộ nghèo của xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Thế nhưng chỉ có 12 con dê đến được với các hộ nghèo. Còn 12 con thì được chở thẳng đến trang trại của ông… Bí thư Huyện ủy.
Lý giải về chuyện này, Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho rằng: “Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc, vì trang trại của bác ấy (tức Bí thư Huyện ủy) đã có hơn 70 con dê rồi. Tại Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện phân bổ thế. Xã thấy cũng chẳng đáng là bao, nên cũng ký xác nhận”.
Còn chính người được nhận 12 con dê trên, là ông Bí thư Huyện ủy, thì cho rằng: “Biết là có dê vào trang trại, nhưng tôi nhầm với dê của một dự án khác, chứ không biết đó là dê giảm nghèo của Bỉm Sơn”.
Rõ ràng là dê cấp cho những hộ nghèo của xã mình. Thế mà ông Chủ tịch lại sợ người nghèo “không có điều kiện chăm sóc” những con dê đó, nên đã đưa một nửa vào trang trại của ông Bí thư huyện để “có điều kiện chăm sóc”.
Còn ông Bí thư huyện thì “nhầm” với dê của một dự án khác. Làm gì có dê của một dự án khác nữa mà nhầm? Là người đứng đầu một huyện nghèo, bao nhiêu dự án xóa đói giảm nghèo trong huyện, ông phải nắm rõ chứ?
Theo thống kê, xã Thành Yên có 840 hộ, thì có tới 252 hộ nghèo, nghĩa là số hộ nghèo chiếm đến trên 30%.
Sự kiện 12 con dê chui vào trang trại của ông Bí thư Huyện ủy, có 2 cách hiểu.
Một là tiêu chí hộ nghèo của huyện Thạch Thành khác với tiêu chí hộ nghèo trên cả nước, do Bộ LĐ-TB&XH quy định. Và ông Bí thư Huyện ủy là một trong những hộ nghèo đó.
Nhưng chẳng lẽ nghèo mà có trang trại, trong trang trại đã có đến hơn 70 con dê (và tất nhiên còn có nhiều thứ khác nữa). Hộ nghèo mà còn như thế, thì những hộ không nghèo còn… giàu có đến cỡ nào?
Hai là số tiền hay số tài sản trong các dự án xóa đói giảm nghèo trong huyện đã bị bớt xén, mà cụ thể là trong dự án này, số dê cho người nghèo đã bị bớt hẳn một nửa.
12 con dê giống, đối với xã, thì “chẳng đáng là bao”, như lời ông Chủ tịch xã. Nhưng đối với 6 hộ nghèo kia, nếu mỗi hộ được 4 con, thì đó là một tài sản lớn, có thể trở thành cái đòn bẩy để giúp họ thoát nghèo.
12 con dê là vật sống, có thể nhìn thấy được. Thế còn những thứ khác, lớn hơn 12 con dê gấp nghìn lần, nhưng là vật “chết”, nghĩa là không nhìn thấy được, như đất đai, tiền bạc… trong các dự án khác, thì các “quan”, khi có điều kiện có “cầm nhầm” không?
Có thể bạn quan tâm

Tuy đã vào mùa vụ thả nuôi tôm mới, nhưng cho đến nay tình hình dịch bệnh, nắng nóng vẫn chưa được cải thiện đã tạo nên tâm lý lo ngại của các hộ nuôi.

Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khuyến khích nông dân trong vùng áp dụng phương pháp sử dụng túi yếm khí để trữ lúa giống, vì bảo đảm chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao. Cách bảo quản rất đơn giản: Sau khi thu hoạch lúa, phơi sấy khô đúng thời gian, nông dân nên dùng túi nhựa PE (còn gọi là túi ni lông yếm khí) có kích cỡ bằng các bao phân bón (loại 50 kg, đang được bán phổ biến trên thị trường) để đựng lúa giống.

Từ năm 2006, nông dân xã Thừa Đức (Bình Đại - Bến Tre) được Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện mô hình “trồng dưa hấu trải bạt” trên đất giồng cát, thu hoạch đạt năng suất cao. Trong vài năm trở lại đây, nông dân trúng lớn nhờ áp dụng mô hình “dưa hấu trải bạt” xen vụ các loại rau màu trên đất giồng cát.

Quảng Nam vẫn còn 1.200 ha diện tích nuôi tôm nước lợ chưa được thả nuôi dù vụ 1/2013 đã bắt đầu từ hơn 2 tháng nay. Trong khi nông dân lúng túng trong sản xuất thì một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã không đem lại hiệu quả.

Trong quá khứ, giá cá tra nguyên liệu cũng nhiều lần lên đỉnh rồi lao dốc nhưng chu kỳ chỉ kéo dài vài ba tháng, tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, quy luật ấy đã hoàn toàn thay đổi khi giá nguyên liệu ngày một giảm sâu.