Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chương Trình Khí Sinh Học Cho Ngành Chăn Nuôi Việt Nam

Chương Trình Khí Sinh Học Cho Ngành Chăn Nuôi Việt Nam
Ngày đăng: 19/05/2014

Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam được triển khai ở Phú Yên từ giữa năm 2013, đã góp phần cải thiện, thay đổi thói quen chăn nuôi của nông dân nhiều địa phương. Qua đó người dân quan tâm hơn đến việc xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Giữa năm 2013, dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2 được triển khai tại Phú Yên với mục tiêu tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cho người chăn nuôi, giúp bà con nhận thức được tác hại của việc xả thải trong chăn nuôi. Từ đó, thay đổi suy nghĩ và có hành động đúng đắn hơn để bảo vệ môi trường, phát triển nghề chăn nuôi một cách bền vững.

Bà Huỳnh Thị Kim Chi ở thôn Minh Đức, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) cho biết: “Gia đình tôi nuôi khoảng 20 con heo, lượng phân và nước thải mỗi ngày khá nhiều. Gia đình thường cho chất thải chảy ra vườn nhà để tưới cây nhưng gây nên mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và bà con hàng xóm.

Được vận động tham gia chương trình khí sinh học, gia đình tôi đã xây hầm biogas có dung tích khoảng 6m3 với giá tiền 10 triệu đồng. Từ lúc có hầm biogas này, tất cả chất thải đều được dẫn vào hầm không còn gây mùi hôi thối, hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Còn theo ông Võ Xuân Hoan ở thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa), từ khi xây hầm biogas xử lý chất thải nuôi heo và bò, gia đình ông đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra lâu nay. Không những thế, nguồn khí gas thu được từ hầm sử dụng làm chất đốt trong sinh hoạt gia đình, nhờ vậy mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng tiền mua chất đốt.

Theo Văn phòng dự án Khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam tại Phú Yên, ngoài mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hầm biogas từ Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam, các địa phương cũng có những mức hỗ trợ khác nhau để khích lệ người chăn nuôi tham gia.

Tiêu biểu như: Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cho 20 hộ dân ở xã Hòa Tân Tây xây dựng hầm biogas với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ, Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa hỗ trợ 800.000 đồng/hầm biogas, Phòng NN-PTNT huyện Tuy An hỗ trợ 2 triệu đồng/hầm biogas…

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam góp phần hỗ trợ phát triển nghề chăn nuôi. Tuy nhiên, kinh phí xây 1 hầm biogas khá cao (trên 10 triệu đồng) sẽ rất khó để khuyến khích người chăn nuôi tham gia. Vì vậy, đơn vị đã có cơ chế trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ thêm cho mỗi hộ chăn nuôi 2 triệu đồng khi xây 1 hầm biogas. Nhờ sự hỗ trợ này mà nhiều bà con đã có điều kiện xây dựng được hầm biogas.

Sau một thời gian triển khai, đến nay Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam tại Phú Yên đã đào tạo được 12 kỹ thuật viên và 12 thợ xây hầm biogas chuyên nghiệp. Đội ngũ này là những người trực tiếp thực hiện việc xây dựng, giám sát về mặt kỹ thuật… đảm bảo các công trình khí sinh học đều được xây dựng đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn, phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Hòa, Phó giám đốc Văn phòng dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam tại Phú Yên cho biết: Công nghệ biogas quy mô gia đình là giải pháp hữu hiệu cho phép kết hợp hài hòa giữa cung cấp năng lượng sạch, rẻ tiền với giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

Đây sẽ là giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi một cách bền vững. Trong năm 2014, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người chăn nuôi của tỉnh xây dựng thêm 400 hầm biogas nữa.


Có thể bạn quan tâm

Mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm Mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi là xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết đã gặp không ít khó khăn như việc xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cho sản phẩm...

10/04/2015
Thu nhập cao từ nuôi… vịt trời Thu nhập cao từ nuôi… vịt trời

Bằng sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, mở lối đi riêng, anh Nguyễn Văn Vượng, ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa - Đắk Nông) đã bước đầu thành công, có thu nhập cao từ việc nuôi… vịt trời.

10/04/2015
Si Ma Cai (Lào Cai) triển khai dự án chăn nuôi gia súc chất lượng cao Si Ma Cai (Lào Cai) triển khai dự án chăn nuôi gia súc chất lượng cao

Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) xây dựng và triển khai dự án chăn nuôi gia súc chất lượng cao theo hướng nuôi nhốt.

10/04/2015
Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội) Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội)

Với việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều người chăn nuôi gà đồi địa phương đang kỳ vọng về một hướng đi mới có sự liên kết bền chặt để vừa giữ vững thương hiệu, vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

10/04/2015
Nuôi dê thịt ở miền Tây Nuôi dê thịt ở miền Tây

Hiện nay ở khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình nuôi dê khác nhau tùy điều kiện địa lý, đất đai, môi trường.

10/04/2015