Chuồng Nuôi Heo Sinh Thái

Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu.
Mùn này đựơc rải lên nền chuồng, sau đó kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích. Hệ men này nhằm phân giải chất thải do vật nuôi thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối; phân giải một phần mùn cưa; giữ ấm cho vật nuôi. “Thông thường, các đệm lót lúc mới có sẽ là màu vàng, khi đã được vài năm sẽ chuyển sang màu đen và lúc nào cũng có hiện tượng lên men vi sinh vật. Nhờ thế mà tuổi thọ của nền chuồng đạt tới 4 năm, không phải thay thế” – ông Thương nói.
Gia đình ông Hồ Văn Chương (thôn 3, thôn Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn) là hộ được chọn thí điểm mô hình này với các tiêu chuẩn như không nằm ở vùng thấp lụt, chuồng trại gắn liền với nhà, có hệ thống hầm biogas, không gian khép kín, vệ sinh sạch và đảm bảo môi trường.
Đợt này ông đưa vào nuôi trên nền chuồng đệm lót sinh thái với diện tích 60m2, thả nuôi 45 con heo thịt. Chuồng được xây gạch kiên cố trên nền đất, được bố trí máng ăn và hệ thống nước uống tự động được lắp đặt khoa học.
Tổng kinh phí đầu tư 60 triệu đồng. “Loại chuồng được làm theo quy trình đệm lót sinh thái là loại chuồng khá lý tưởng cho việc nuôi heo, vì công nghệ này xử lý chất thải mà heo thải ra nhưng không đưa ra môi trường bên ngoài. Nuôi theo kiểu này rất sạch sẽ, chất thải không gây mùi hôi, không phải dội nước, đỡ hao tốn điện năng” - ông Chương thông tin.
Theo các cán bộ kỹ thuật Trung tâm KN-KN tỉnh, thời gian qua trung tâm đã đầu tư mô hình này ở 4 huyện trên địa bàn tỉnh gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Phú Ninh và Duy Xuyên với tổng diện tích 1.600m2 cho 1.200 heo thịt, trung tâm hỗ trợ tối đa 40% quy trình gồm: cung cấp chế phẩm sinh học, bột bắp, trấu, mùn cưa, lập kế hoạch khảo sát chọn hộ, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót trực tiếp tại mô hình cho các hộ tham gia.
“Mô hình này đã được ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh miền Tây từ năm 2010 như tỉnh Đồng Tháp đã đem lại hiệu quả cao. Tại Quảng Nam đây là lần đầu tiên thí điểm triển khai và nhân rộng, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân” - kỹ sư Phạm Thị Thu Thủy, Phòng Kỹ thuật - thông tin (Trung tâm KN-KN tỉnh) nói.
Có thể bạn quan tâm

Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập (Ba Lập), ngụ tại ngọn (đầu nguồn) rạch Cầu Ván thuộc địa bàn ấp 4, xã Cẩm Sơn. Trong những năm qua, ông là người nhạy bén trong việc chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh mít mang lại hiệu quả cao

Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được

Sau 3 tháng chăm sóc, những cây bí này bắt đầu ra hoa, kết trái. Theo sự chỉ dẫn của những người bạn ở bên Mỹ, ông Phan hái bỏ những quả nhỏ, yếu, chỉ để lại những quả to, khỏe để cây tập trung nuôi dưỡng. Đến nay, vườn bí ngô của gia đình người đàn ông này có 24 quả chín, có màu vàng bóng, vỏ mỏng

Theo nhiều đánh giá, mô hình nuôi cua đồng cho lợi nhuận cao, một phần do cua nhanh cho thu hoạch, dễ tiêu thụ, dễ chăm sóc, một phần là do trên cùng một diện tích đó, người dân có thể thu được 3 - 4 sản phẩm có giá trị kinh tế khác như lúa, chạch, cá...

Cây bần chua được trồng trên tuyến đê của xã Triệu Phước thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không chỉ trở thành một “vành đai xanh” chắn sóng mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân.