Chuỗi Liên Kết Sản Xuất Trong Nông Nghiệp Sẽ Bắt Đầu Từ Vụ Lúa Đông Xuân 2014 – 2015

Dự án Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại Đức Linh, Tánh Linh của Công Ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát đang trong giai đoạn trình UBND tỉnh phê duyệt, sau đó mới đăng ký để Trung ương chấp thuận thực hiện. Hiện tại, mô hình này đang tạo sự háo hức cho dân trồng lúa ở 2 vùng trên.
Thông tư số 15/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều tại Quyết định số 62/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn như chốt lại những gì nông dân mơ ước bấy lâu.
Đó là tiêu thụ sản phẩm ổn định, biết rõ yêu cầu sản phẩm của nơi thu mua, ổn định hoặc mở rộng vùng nguyên liệu. Theo đó, việc xây dựng những cánh đồng lớn sẽ hình thành. Ở tỉnh đã xây dựng kế hoạch trong khoảng 10 năm nữa cho sự ra đời những cánh đồng như thế trên cây lúa, cây thanh long và cây cao su.
Và đơn vị tiên phong đề nghị thực hiện thí điểm mô hình này là Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát (TP.HCM) với Dự án xây dựng Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Đức Phú, Nghị Đức (huyện Tánh Linh) và xã Nam Chính, (huyện Đức Linh). Dự án này vừa mới được Hội đồng thẩm định đồng ý trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, dự án sẽ thực hiện trong 6 năm, bắt đầu từ năm 2015 (vụ đông xuân 2014 - 2015) tại các cánh đồng rộng 350 ha của HTX nông nghiệp Đức Phú, Tổ hợp tác sản xuất lúa và dịch vụ VTNN xã Nghị Đức và Tổ hợp tác nông dân thôn 2, xã Nam Chính. Đến năm 2020, sẽ nâng diện tích thực hiện mô hình lên 850 ha.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân tới, có 535 hộ nông dân tham gia dự án. Khi tham gia, hộ nông dân sẽ được hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên. Đồng thời, được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp, thời hạn tối đa là 3 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.
Còn với các tổ chức nông dân được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê để thực hiện xây dựng cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho dự án. Hỗ trợ tối đa 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên…Điều này đang tạo háo hức cho người nông dân ở hai nơi trên.
Còn với doanh nghiệp, ông Đoàn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát cho biết, thực hiện dự án này, phía doanh nghiệp có nhiều lợi ích.
Thấy rõ nhất sau nhiều ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ, hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng…là có vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu thực hiện các đơn hàng cho đối tác. Với sự phối hợp chặt chẽ với nông dân có vùng nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp có thể tiến nhanh, vững chắc hơn.
Từ đó, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu mọi thủ tục kịp thì dự án Cánh đồng lớn tại Đức Linh, Tánh Linh sẽ triển khai trong vụ đông xuân 2014 -2015.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, diện tích hồ tiêu của Tây Nguyên đã tăng lên trên 15.300ha, trong đó có 70% diện tích đã đưa vào khai thác, với sản lượng mỗi năm đạt trên 32.255 tấn tiêu hạt, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Dăk Lăk, Gia Lai và Dăk Nông.

Ở xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế, ông Phạm Quang Dũng (thôn Di Đông) được coi là một trong những người tiên phong trong chăn nuôi, đặc biệt là nuôi thỏ.

Tình hình nuôi tôm biển của Bến Tre hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên tôm đã bùng phát và thiệt hại không nhỏ, nhưng nhìn chung kinh tế thủy sản trong tỉnh không ngừng phát triển cả nuôi trồng, đánh bắt và chế biến xuất khẩu.

Về xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hỏi thăm “ông Phi dúi” tức Đào Duy Phi, gần như ai cũng biết.

Sau nhiều năm nghiên cứu, điều tra, bằng phương pháp chọn lọc cá thể kết hợp chọn lọc hỗn hợp từ các giống bản địa của tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận, Bộ môn Cây thực phẩm (Viện Cây lương thực- cây thực phẩm) đã chọn tạo thành công 2 giống bí xanh mới mang tên số 1 và số 2.