Chữa cháy cho vụ tôm mùa nước nổi

Đã qua tháng 7 âm lịch nhưng nước lũ từ đầu nguồn vẫn chưa về hạ nguồn như những năm qua khiến cho bà con đầu nguồn lũ ở Đồng Tháp mỏi mòn chờ đợi. Riêng đối với nhiều hộ nuôi tôm mùa lũ thì đang đứng ngồi không yên… bởi lượng tôm nuôi trong ao ngày một lớn.
Nếu mùa nước nổi không như kỳ vọng thì sẽ thiệt hại đôi đường cho cư dân vùng lũ.
Đến thăm ruộng cũng là ao nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Cấy ngụ xã Bình Thạnh thị xã Hồng Ngự, hơn 1 ha đất ruộng mà ông dự định nuôi tôm mùa nước nổi đã được chuẩn bị sẵn sàng và chỉ chờ nước lên.
Tại khu vực đất này đã được ông đăng ven bằng lưới chuẩn bị hơn 1 tháng nay. Thế nhưng, trên ruộng vẫn chưa có nước khiến cho ông hết sức lo lắng. Với đặc thù nuôi tôm mùa nước nên đa số hộ dân nơi đây đều chuẩn bị đồng cho vụ nuôi. Bên cạnh đó khi đồng không có nước, tôm ngày một lớn nhưng diện tích dưới ao quá hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của tôm.
Trước những khó khăn đặt ra trong vụ nuôi mùa nước nổi, giải pháp trước mắt mà Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự chủ động hỗ trợ người nuôi là mở lớp tập huấn ứng phó khi nước chưa về nhằm trang bị thêm kiến thức về xử lí nguồn nước, xử lí đáy ao và chăm sóc cho tôm trong khi chờ nước lên.
Tôm nuôi mùa nước nổi năm nay đang gặp nhiều khó khăn do nước còn quá thấp.
Những kiến thức từ các nhà khoa học được kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều hộ nuôi kịp thời ứng phó với các vấn đề phát sinh đối với ao nuôi của mình. Dễ nhận thấy nhất là khi không có nước, mật số tôm nuôi trong ao tăng cao do đó nguồn nước dễ bị nhiễm bẩn, làm phát sinh mầm bệnh cho tôm.
Anh Nguyễn Văn Bừa, Xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự cho biết, giảng viên trường đại học Cần Thơ đã hướng dẫn bà con làm thêm tầng lưới để tôm ở tầng giữa để chủ động nuôi tôm theo mô hình khép kín, chứ không trông chờ lũ về như trước đây.
Qua tập huấn, nhiều hộ đã áp dụng trên ao nuôi của mình và bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện, một số nông dân trên địa bàn xã Bình Thạnh đã liên kết để lắp đặt cống dẫn nước vào ruộng để giúp tôm nuôi trong thời gian này. Dù biết là chi phí đầu tư cao nhưng đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm tránh một vụ mùa thất bát.
Về phía ngành chuyên môn ở địa phương cũng đã nhận thấy được khó khăn đối với các hộ nuôi tôm. Chính vì thế, trong thời gian qua cũng đã hỗ trợ chi phí cho nông dân lên đê bao lửng cho tôm khi lũ rút. Tuy nhiên, số lượng cũng còn hạn chế. Còn năm nay khác với mọi năm, mùa nước nổi vẫn chưa thấy tăm hơi nên nhiều hộ dù có đê bao lửng cũng không khác gì không có.
Ông Nguyễn Huấn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự cho biết, người dân đã nhận thức được vấn đề chăm sóc tôm với mật độ cao trong ao, giúp cho quá trình tăng trưởng của tôm. Tuy nhiên, vấn đề này mang tính chất chữa cháy, tạm thời. Về lâu dài, theo ông Huấn, cần phải tuyên truyền cho người dân nuôi tôm phải lên đê bao lửng hoàn toàn thì mới nuôi bền vững được.
Hiện trên địa bàn thị xã Hồng Ngự diện tích nuôi tôm mùa nước nổi đã giảm chỉ còn hơn 70 ha. Trong số này chỉ có gần 50% diện tích thả nuôi có đê bao lửng. Số còn lại vẫn trông chờ vào con nước nổi hàng năm.
Thực tế cho thấy, với nhiều hộ nuôi vùng đầu nguồn như ở Đồng Tháp thì việc thả tôm mùa nước nổi không còn là một lợi thế mà nó đã trở thành những mùa vụ mang tính rủi ro cao./.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 23/4, bà Trần Thị Minh Thể, thuộc Công ty TNHH Thu mua hải sản Cường Hữu (TP Hồ Chí Minh) cho biết công ty đang thu mua tôm hùm thương phẩm ở Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) với giá 1,2 triệu đồng/kg tôm loại 1 và 1 triệu đồng/kg tôm loại 2 và loại 3, thấp hơn tuần trước 100.000-150.000 đồng/kg.

Tính đến ngày 20-4-2012, các chủ ao đầm thuộc các xã vùng triều huyện Quảng Xương (tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Chính, Quảng Trung, Quảng Khê) đã thả 47,3 triệu con tôm sú giống trên tổng diện tích ao nuôi 750 ha, đạt 100% kế hoạch thả nuôi tôm sú nước lợ vụ xuân-hè năm 2012. Nhìn chung, bà con trong huyện đã tập trung cải tạo ao đầm đúng hướng dẫn kỹ thuật và tuân thủ lịch thời vụ thả tôm. Hiện tại, diện tích tôm sú mới thả nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Vào thời điểm này, các đơn vị và chủ ao đầm đang tiến hành thả nuôi 30 ha tôm he chân trắng. Nét mới là UBND huyện Quảng Xương đã đầu tư 2 mô hình nuôi tôm he chân trắng trên diện tích 4 ha tại xã Quảng Lưu và Quảng Trung nhằm hỗ trợ bà con tham quan, học tập, chuyển giao kỹ thuật, tổng kết rút kinh nghiệm để mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng theo hình thức thâm canh mới trong năm tới.

Gia đình của anh Tống Văn Phong (SN 1962) ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung vươn lên làm giàu từ cây quýt đường. Nhiều người dân địa phương đã phong cho anh danh hiệu “vua quýt đường Tư Phong”.

Nuôi vịt là một trong những nghề có lãi nhưng nhiều rủi ro, bất trắc do thường xảy ra dịch bệnh phức tạp trong đó có dịch cúm H5N1. Thế nhưng, hơn 13 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ trại vịt Việt Hưng (ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) vẫn trụ vững với nghề bằng mô hình nuôi vịt theo hướng trang trại khép kín kết hợp nuôi cá.

Sau gần một tháng trời lênh đênh, đón giao thừa trên biển, hàng chục tàu cá của ngư dân Phú Yên đã tấp nập về bến ngày 24-1 (mùng 2 tết, mang theo “lộc biển” đầu năm: hàng trăm tấn cá ngừ đại dương.